Lúa tẻ Dao được trồng ở bản Phiêng Bay, xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai) là giống lúa đặc sản của đồng bào dân tộc Dao; hạt to, dài, thơm, dẻo như gạo nếp, có giá trị dinh dưỡng cao. Giống lúa đã bị thoái hóa, có nguy cơ bị thải loại. Mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc Sở Khoa học và Công nghệ và Trường Đại học Tây Bắc đã tiến hành phục tráng, bước đầu có kết quả tích cực, góp phần bảo tồn nguồn giống lúa đặc sản này.
Đoàn công tác của Sở KH&CN và Trường Đại học Tây Bắc kiểm tra tiến độ thực hiện Đề tài
phục tráng giống lúa tẻ Dao tại bản Phiêng Bay, xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai).
Theo người dân địa phương, giống lúa tẻ Dao chủ yếu được trồng ở bản Phiêng Bay (Chiềng Khay). Tẻ Dao có hương rất thơm, vào thời điểm lúa ra đòng, trổ bông cho đến chín vàng, hương thơm lan tỏa khắp một vùng. Đồng bào dân tộc Dao thường gói cơm mang theo khi đi làm nương, để cơm nửa ngày vẫn dẻo, không mất hương vị. Tẻ Dao được trồng từ tháng 5, đến tháng 10 cho thu hoạch. Do thói quen canh tác của người dân địa phương phần lớn phụ thuộc vào tự nhiên, không bón phân, canh tác trên đất dốc bạc màu nên năng suất thấp. Để đảm bảo lương thực, hầu hết người dân địa phương đã chọn trồng các giống lúa mới, không ngon bằng gạo tẻ Dao nhưng năng suất cao và ổn định. Mặt khác, khi đưa các giống lúa mới canh tác xen canh đã làm cho giống lúa tẻ Dao bị lai tạp, làm giống thoái hóa nghiêm trọng. Trước đây, 100% hộ dân trong bản đều trồng giống lúa này, năng suất bình quân 20 tạ/ha, nhưng hiện nay chỉ còn rất ít hộ trồng, với quy mô nhỏ khoảng 2.000 m2/hộ.
Năm 2014, nhóm nghiên cứu thuộc Sở Khoa học và Công nghệ và Trường Đại học Tây Bắc đã tiến hành trồng thử nghiệm giống lúa tẻ Dao với diện tích 1.000 m2 thu được 112 kg thóc, năng suất bình quân 11,2 tạ/ha. Năm 2015, nhóm nghiên cứu tiến hành trồng thử nghiệm 20 dòng lúa tẻ Dao đã được chọn tạo bằng công nghệ nuôi cấy bao phấn với diện tích 4.000 m2, năng suất bình quân của hầu hết các dòng lúa đều tăng đáng kể so với trước, trong đó, nổi bật là các dòng TD05, TD16 và TD18 cho năng suất bình quân 18,4 đến 19,7 tạ/ha, gần tương đương với năng suất trước khi bị thoái hóa.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng bộ môn sinh học ứng dụng, Khoa Nông lâm, Trường Đại học Tây Bắc, cho biết: Trong quá trình thực hiện, nhóm tiến hành thu thập đòng của giống lúa tẻ Dao dựa trên các kết quả điều tra về đặc điểm của giống gốc. Các mẫu đòng được sử dụng để lấy bao phấn nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, kích thích tạo mô sẹo, tạo chồi rồi tạo cây lúa hoàn chỉnh trong điều kiện ống nghiệm. Sau khi trồng ra đất, các cây được xác định là cây đơn bội sẽ được gây đa bội hóa bằng consisin và được chăm sóc để thu hạt giống. Nhóm nghiên cứu đã thu được hạt của 21 dòng lúa được đa bội hóa. Qua đánh giá đặc điểm nông sinh học, năng suất của 21 dòng sau phục tráng tại Chiềng Khay, như: Thời gian sinh trưởng, khả năng đẻ nhánh và hình thái thân cây, hình thái lá, hình thái bông, hạt và các yếu tố cấu thành năng suất của các dòng sau phục tráng... làm cơ sở đề xuất 3 dòng ưu tú nhất, phục vụ xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm các dòng sau phục tráng.
Thay vì phải lựa chọn 6 đến 7 thế hệ để được dòng thuần phục vụ cho công tác giống như các phương pháp chọn lọc truyền thống, phương pháp nuôi cấy bao phấn hay hạt phấn rất hữu hiệu để tạo ra các dòng thuần ngay từ thế hệ đầu tiên, tiết kiệm nguồn lực và rút ngắn thời gian cần thiết để tạo ra giống mới. Sau gần 3 năm, đề tài đã khôi phục được nhiều đặc điểm tốt của giống, nâng cao năng suất, chất lượng lúa tẻ Dao. Đến nay, đã xây dựng 5 mô hình thử nghiệm đối với 3 dòng lúa tẻ Dao sau phục tráng, gồm: TD 05, TD 16, TD 18 được thực hiện tại Bản Phiêng Bay (Chiềng Khay) với diện tích gần 5.000 m2; 2 mô hình sản xuất lúa cạn, có bón phân hóa học; 2 mô hình sản xuất lúa ruộng theo phương pháp hữu cơ, áp dụng gieo sạ có tỉa thưa, cấy dặm; 1 mô hình sản xuất lúa ruộng theo phương pháp hữu cơ, áp dụng gieo mạ trên nương và cấy xuống ruộng.
Đề tài phục tráng lúa tẻ Dao bước đầu đã thu được kết quả tích cực, mở ra hy vọng phục tráng thành công giống lúa đặc sản của đồng bào dân tộc Dao, góp phần bảo tồn, bổ sung vào cơ cấu giống lúa của địa phương, đưa vào sản xuất đại trà, tạo sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập, giúp người dân nâng cao đời sống.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!