Xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực của địa phương là một trong những ưu tiên của tỉnh ta. Nhãn hiệu chứng nhận “Mận Sơn La” được công nhận đã đưa các sản phẩm từ quả mận đến gần hơn với khách hàng trong, ngoài tỉnh và tiếp cận với thị trường xuất khẩu.
Cây mận được đưa vào trồng ở Mộc Châu từ đầu những năm 1980 đã nhanh chóng khẳng định được vị thế và trở thành một cây trồng thế mạnh của vùng đất cao nguyên. Dần dần cây mận được mở rộng trồng ở các địa phương: Yên Châu, Thuận Châu, Thành phố... Đến nay, diện tích trồng mận toàn tỉnh khoảng 11.000 ha, chiếm khoảng 13% diện tích cây ăn quả của cả tỉnh. Tổng sản lượng quả tươi mỗi năm khoảng 60.000 tấn. Tuy nhiên, việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ mận vẫn còn những hạn chế do quả mận tươi của tỉnh chưa có bao bì, nhãn mãn hay dấu hiệu nhận biết riêng, nên người tiêu dùng không thể phân biệt với các loại mận khác cùng có trên thị trường. Trên 90% sản lượng mận được tiêu thụ dưới dạng quả tươi, việc chế biến quả mận tươi thành các sản phẩm khác còn hạn chế, sản lượng thấp.
Hội thảo về hệ thống nhận diện và quy định kiểm soát nhãn hiệu chứng nhận “Mận Sơn La” cho sản phẩm quả mận hậu của tỉnh Sơn La.
Ảnh: PV
Thực tiễn đó đã đặt ra bài toán xây dựng, bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm mận quả tươi và sản phẩm chế biến từ quả mận tươi. Năm 2018, Trung tâm Phát triển nông thôn được phê duyệt thực hiện Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Mận Sơn La” cho sản phẩm quả mận hậu, tỉnh Sơn La”. Qua hơn 2 năm triển khai, qua các hoạt động, như: Khảo sát thực trạng sản xuất và thị trường tiêu thụ mận Sơn La; xây dựng, xin ý kiến mẫu nhãn hiệu (logo); tiêu chí chứng nhận chất lượng; xác định bản đồ khu vực địa lý tương ứng; quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mận Sơn La”.
Ngày 18/12/2019, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định cấp Nhãn hiệu chứng nhận “Mận Sơn La”. Các sản phẩm được bảo hộ theo Nhãn hiệu chứng nhận “Mận Sơn La”, gồm: Quả mận tươi, mận sấy dẻo, mứt mận nhuyễn và rượu mận. Các sản phẩm chế biến được sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Mận Sơn La” phải là các sản phẩm được chế biến từ quả mận giống Tam Hoa được trồng trong khu vực địa lý bao gồm 38 xã, thị trấn thuộc 5 huyện, thành phố: Mộc Châu (10 xã, thị trấn), Vân Hồ (4 xã), Yên Châu (6 xã), huyện Thuận Châu (13 xã) và thành phố Sơn La (5 xã, phường).
Tiến sỹ Nguyễn Mai Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Chủ nhiệm dự án, cho biết: Quảng bá sản phẩm mang Nhãn hiệu chứng nhận “Mận Sơn La”, Dự án đã biên soạn và in ấn 900 quyển cẩm nang giới thiệu Nhãn hiệu chứng nhận “Mận Sơn La”. Cẩm nang được biên soạn song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc QRCode và hệ thống công cụ sổ sách theo dõi; hệ thống truy xuất nguồn gốc được cung cấp và vận hành bởi nhà cung cấp dịch vụ Smartlife. Ngoài ra, Dự án đã hỗ trợ in ấn 2.000 tờ rơi, 50 poster, 6.000 bao bì thùng mận cứng loại 20kg, 5.000 nhãn mác và 5.000 tem sản phẩm để dán trên bao bì cho các huyện và các HTX.
Sau khi Nhãn hiệu chứng nhận “Mận Sơn La” được bảo hộ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát, HTX Tiến Đạt của huyện Yên Châu; HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5, HTX Cây ăn quả Mường Sang của huyện Mộc Châu. Ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 Mộc Châu, chia sẻ: HTX có vùng mận nguyên liệu 100 ha, năng lực chế biến quả mận đạt từ 800-1.000 tấn quả/năm. Ngoài việc bán quả mận tươi, HTX còn có các sản phẩm: Mận sấy mật ong, mận sấy gừng, mận sấy thảo dược, rượu mận. Các sản phẩm chế biến sử dụng 100% các nguyên liệu tại địa phương, quá trình chế biến không sử dụng các chất bảo quản, chất phụ gia nên giữ được hương vị tự nhiên của quả mận, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng.
Ông Lưu Bỉnh Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nhận định: Nhãn hiệu chứng nhận “Mận Sơn La” là động lực để thúc đẩy, nâng cao năng lực cạnh tranh của người sản xuất, HTX và doanh nghiệp trồng, sản xuất, kinh doanh và chế biến, tiêu thụ mận Sơn La cũng như nâng cao hơn nữa hình ảnh của sản phẩm “Mận Sơn La” trên thị trường phù hợp với định hướng, kế hoạch chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với sản phẩm OCOP và tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển xanh, bền vững giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
Mận Sơn La đã có thương hiệu, tuy nhiên các HTX, người sản xuất cần tiếp tục đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cũng như chế biến các sản phẩm từ mận, xây dựng liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm mận hậu mang nhãn hiệu chứng nhận theo chuỗi giá trị thông qua các kênh phân phối trong và ngoài tỉnh, từng bước nâng cao hiệu quả từ cây mận.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!