Xóa bỏ tư duy văn mẫu

Những năm tháng học phổ thông, môn văn để lại cho tôi thật nhiều cảm xúc. Chính thầy, cô giáo là người truyền cảm hứng, giúp tôi yêu thích, hào hứng với mỗi tiết học. Thay vì bằng lòng với các đoạn trích trong sách giáo khoa, chúng tôi được khuyến khích tìm đọc toàn bộ tác phẩm. Học sinh nhà nghèo, không mua được sách thì thầy, cô cho mượn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thay vì chỉ đọc văn bản, chúng tôi được hướng dẫn nhập vai nhân vật, tập đóng các vở kịch. Thay vì học thuộc hoàn cảnh ra đời tác phẩm, năm sinh, năm mất của tác giả, chúng tôi được nghe những câu chuyện về cuộc đời của nhà văn và hình dung về bối cảnh xã hội lúc bấy giờ. Các bài làm văn thay vì viết lại lời thầy cô giảng, chúng tôi được động viên để bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ riêng của mình…

Nhưng không phải ai cũng được học theo cách như vậy. Hầu hết tại các trường phổ thông, chương trình các môn học được phân bổ cụ thể về cơ cấu số tiết cũng như nội dung giảng dạy theo từng tuần, từng tháng. Thầy, cô có giáo trình mẫu để học hỏi và học sinh cũng có sách tham khảo, văn mẫu để… bắt chước. Học văn, từ lúc nào đó bỗng biến thành môn học thuộc lòng những bài văn được soạn sẵn, đầy áp lực và mệt mỏi.

“Tư duy văn mẫu” hình thành, triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò và dần trở thành căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục.

“Tư duy văn mẫu” hình thành, triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò và dần trở thành căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục. Để kịp thời khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và thuộc lòng theo văn mẫu, bước vào năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH (ngày 21/7/2022) hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông, trong đó yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên thực hiện việc đổi mới cách dạy, cách học, cách đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn, tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy môn học này.

Cụ thể là tăng cường việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; giáo viên có thể đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn để giúp học sinh nhưng không lấy việc phân tích, bình giảng của mình để áp đặt hay thay thế cho những suy nghĩ của học sinh; tránh đọc chép và yêu cầu học sinh ghi nhớ kiến thức một cách máy móc; khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.

Đây là chỉ đạo cần thiết, kiên quyết của ngành giáo dục. Tuy nhiên để thay đổi “tư duy văn mẫu” vốn đã hằn sâu trong nếp nghĩ, chi phối cách làm lâu nay của nhiều người đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của toàn ngành giáo dục. Và hơn ai hết, các thầy, cô giáo trực tiếp đứng lớp cần sự chủ động thoát khỏi vùng an toàn lâu nay. Những khuôn mẫu về phương pháp, giáo án, ngữ liệu, cách ra đề, chấm điểm… cần phải được thay đổi, làm mới, sáng tạo hơn nữa.

Vì coi nhẹ sáng tạo cá nhân, nên ý thức tôn trọng, bảo vệ bản quyền cho sáng tạo cá nhân cũng bị coi thường, xem nhẹ ở nhiều người, nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Sự gia công, đầu tư cho mỗi bài giảng vì thế cũng yêu cầu cao hơn để tạo sự khác biệt, hiệu quả và tạo hứng thú cho học sinh. Cần thấy rằng việc học văn giúp học sinh rèn năng lực cảm thụ tác phẩm, xây dựng tư duy độc lập, góp phần hình thành nhân cách của trẻ. Làm được điều đó thì hiệu quả của môn học mới thật sự được phát huy.

Từ câu chuyện của ngành giáo dục nhìn rộng ra trong xã hội hiện nay chúng ta không khỏi giật mình bởi “tư duy văn mẫu”, làm theo công thức một cách máy móc đã và đang tồn tại trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Bằng chứng là sự xuất hiện ngày càng nhiều những lễ hội rập khuôn, na ná nhau. Tình trạng sao chép, “mặc đồng phục” trong xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương. Lĩnh vực văn học nghệ thuật vốn đòi hỏi sự khác biệt về cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ thì tình trạng bắt chước, đua nhau viết cùng một kiểu diễn ra khá phổ biến, nhất là trong các cuộc vận động sáng tác theo đề tài.

Vì coi nhẹ sáng tạo cá nhân, nên ý thức tôn trọng, bảo vệ bản quyền cho sáng tạo cá nhân cũng bị coi thường, xem nhẹ ở nhiều người, nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Thực tế này cho thấy, không chỉ riêng với việc dạy và học văn, không chỉ là vấn đề của ngành giáo dục, “tư duy văn mẫu”, kém sáng tạo, ỷ lại, lười biếng, dựa vào những cái đã có sẵn đang hoành hành, là lực cản đối với tiến trình phát triển, do đó cần sớm được loại bỏ trong đời sống xã hội.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới