Xây dựng văn hóa học đường gắn với đổi mới giáo dục

Những năm qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng văn hóa học đường, rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với gia đình, đất nước.

Học sinh Trường THCS chất lượng cao Mai Sơn đọc sách tại thư viện.

Toàn tỉnh hiện có 610 đơn vị trường học với tổng số hơn 370.000 học sinh; trên 24.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Ngành GD&ĐT đã tập trung triển khai Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, như: Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”; phòng, chống bạo lực học đường và lao động trẻ em thông qua trường học; đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống trong trường học...

Bà Điêu Thị Dân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Ngành đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tập trung hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện các tiêu chí trường học văn hóa, phù hợp với truyền thống văn hóa các vùng miền trên địa bàn và đạt được kết quả nhất định. 100% trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử theo quy định của Bộ GD&ĐT ban hành, phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi nhà trường; 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. 90% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa; đổi mới phương pháp dạy học các môn đạo đức, giáo dục công dân, ngữ văn, lịch sử... theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Các nhà trường cũng tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc nói chuyện chuyên đề, giao lưu, tọa đàm với các nhân chứng lịch sử, các cuộc thi về tìm hiểu về lịch sử. Phong trào văn hóa đọc trong nhà trường được quan tâm với 100% trường học có thư viện hoặc góc thư viện. Ngoài ra, các trường học từ cấp mầm non đến phổ thông đã lồng ghép, tích hợp giáo dục văn hóa học đường cho học sinh vào hoạt động giảng dạy chính khóa các môn học, cân đối giữa dạy “chữ” và dạy “người”; trong đó, bậc mầm non là giáo dục lễ giáo, bậc tiểu học là môn đạo đức, bậc trung học là môn giáo dục công dân.

Các trường sử dụng website nội bộ để đẩy mạnh hoạt động truyền thông; đặc biệt, chú trọng việc kết nối, phối hợp với gia đình, ban đại diện cha mẹ học sinh để giáo dục học sinh (100% đơn vị trường học đều yêu cầu các lớp thành lập nhóm zalo riêng để phối hợp với phụ huynh trong trao đổi thông tin).

Văn hóa học đường là phạm trù rộng lớn, do đó, mỗi nhà trường sẽ có một cách thực hiện khác nhau. Đối với cán bộ, giáo viên Trường tiểu học Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, phát huy vai trò nêu gương của người thầy, mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương tự học, đổi mới sáng tạo, đạo đức, lối sống, ý chí phấn đấu, khát vọng cống hiến...

Cô Nguyễn Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chiềng Hặc, chia sẻ: Nhà trường có 276 học sinh, 15 lớp, 25 cán bộ, giáo viên. Nhà trường chỉ đạo giáo viên đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp với từng lứa tuổi. Đối với giáo viên, thực hiện nghiêm chuẩn mực của nhà giáo về tác phong đi lại, ăn mặc, sinh hoạt, để làm gương cho học sinh noi theo. Nhà trường đặc biệt quan tâm đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống, giáo dục văn hóa, lịch sử lồng ghép trong các môn học đạo đức, sinh hoạt đoàn, đội, đặc biệt là chương trình giáo dục địa phương. Qua đó, trang bị cho học sinh những hiểu biết về văn hóa, lịch sử nơi mình sinh ra và lớn lên, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, biết trân trọng và phát huy giá trị văn hóa truyền thống quê hương.

Thầy giáo Nguyễn Văn Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, Thành phố cho biết: Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo đội ngũ giáo viên thực hiện nhiệm vụ giáo dục theo đúng hướng dẫn chương trình của ngành GD&ĐT các cấp; kết hợp giữa dạy chữ, dạy người, trang bị kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho người học; giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; tôn trọng ý kiến của học sinh; phát triển cho học sinh những phẩm chất yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm... Kết quả, nhiều năm nhà trường có học sinh đoạt giải cao tại kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm 2022, 100% học sinh tốt nghiệp THPT, hằng năm có trên 34% tỷ lệ học sinh đạt khá, giỏi; trên 98% tỷ lệ học sinh đạt hạnh kiểm khá, giỏi.

Văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách, giáo dục con người phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ, khuyến khích, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh, giáo dục thế hệ trẻ trở thành những con người sống có ước mơ, hoài bão, lý tưởng đẹp...

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới