Năm học 2021-2022 đi qua với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Với sự nỗ lực của cán bộ, giáo viên, học sinh, ngành Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo. Thời điểm này, thầy và trò các nhà trường đang phấn khởi, tích cực chuẩn bị chu đáo các điều kiện, tạo khí thế sôi nổi sẵn sàng chào đón ngày khai trường.
Học sinh Trường PTDT Nội trú tỉnh tham khảo tài liệu tại thư viện nhà trường.
Những kết quả nổi bật
Với quyết tâm “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt” và phương châm hành động “Tất cả vì học sinh thân yêu”, “Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”, “Quyết tâm, kiên trì cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp”, năm học 2021-2022, ngành Giáo dục - Đào tạo đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch năm học 2021-2022.
Quy mô mạng lưới, trường lớp được rà soát sắp xếp, củng cố và phát triển, năm 2022, từ các chương trình, dự án đầu tư hơn 175 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học toàn tỉnh. Nhờ đó, cơ sở vật chất trường học đã cơ bản đáp ứng đủ 1 phòng/lớp học, đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày (phòng học kiên cố đạt 72,1, tăng 2,4 % so với năm học trước); thư viện, thí nghiệm, phòng học bộ môn, nhà làm việc, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ăn, nhà ở bán trú, công trình nhà vệ sinh, nước sạch, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư.
Duy trì, củng cố nâng cao kết quả phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo giáo dục tiểu học đạt mức độ 2, phổ cập giáo dục trung học và xóa mù chữ đạt mức độ 2 trong toàn tỉnh. Chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông có sự chuyển biến, tiến bộ tích cực so với năm học trước.
Với nhiều biện pháp, giải pháp quyết liệt để cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là cấp THPT và lớp 12 đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ: Tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,6%, tăng 1,25% so với năm 2021; điểm trung bình các môn thi của thí sinh toàn tỉnh đạt 6,137 điểm, tăng 0,097 điểm so với năm 2021; tỉnh Sơn La đứng thứ 49/63 tỉnh thành phố về điểm trung bình các môn thi, tăng 10 bậc so với năm 2021.
Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tỉnh có 8 học sinh đạt giải, trong đó 3 giải nhì, 2 giải ba, 3 giải khuyến khích. Ngành Giáo dục đã tổ chức tốt cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học theo hình thức trực tuyến. Trong đó có 177 dự án đăng ký dự thi, đã công nhận cho 84 dự án đạt giải, gồm: 5 giải nhất; 10 giải nhì; 26 giải ba; 43 giải tư; lựa chọn 2 dự án thi cấp quốc gia, trong đó 1 dự án đạt giải triển vọng. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được tỉnh quan tâm, hiện nay, toàn tỉnh đã có 338/598 chiếm 56,5% cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia.
Chuyển trao bằng khen của UBND tỉnh cho học sinh có thành tích xuất sắc trong năm học 2021-2022.
Tại Trường THPT Chuyên Sơn La lá cờ đầu của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Nhà giáo ưu tú Trần La Giang, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà trường đã chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể ứng phó với đại dịch; triển khai đồng bộ các hoạt động dạy học thích ứng trong điều kiện tình hình mới; thực hiện linh hoạt các hình thức dạy học đảm bảo phương châm “dừng đến trường nhưng không dừng học”. Nhà trường tiếp tục duy trì 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT; 8 học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia; vinh dự trong năm học này nhà trường có em Bùi Anh Đức, học sinh lớp 12 Anh, lọt vào chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia sẽ tổ chức ngày 2/10 sắp tới... Đây chính là động lực để cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường tiếp tục bước vào năm học mới với kết quả cao nhất.
Đoàn kết, sáng tạo
Năm học 2022-2023, tỉnh Sơn La có 610 cơ sở giáo dục với hơn 370.000 học sinh các cấp học. Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đổi mới và chuyển đổi số để củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo”, ngành đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm cho năm học mới, như: Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật, thể chất cho học sinh, bảo đảm an toàn trường học; rà soát quy hoạch và sắp xếp lại quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục...
Đồng chí Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Năm học mới, toàn ngành thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, gắn kết giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Sở tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Tiếp tục triển khai Chương trình Giáo dục mầm non đã được sửa đổi, bổ sung; Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 đảm bảo đúng quy định, tiến độ, hoàn thành và vượt chỉ tiêu, kế hoạch năm học 2022-2023.
Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng và triển khai kế hoạch chi tiết, cụ thể của từng cấp học, nhất là cấp THCS, THPT phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và cải cách hành chính trong toàn ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển giáo dục số...
Đón học sinh vào lớp 1 tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản, Thành phố.
Tại huyện biên giới Sốp Cộp, năm học 2022 - 2023, huyện có 21 trường, từ mầm non đến trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên, với tổng số gần 17.000 học sinh. Bà Lò Thị Hạnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp, cho biết: Trước thềm năm học mới, huyện đã đầu tư hơn 60 tỷ đồng sửa chữa, xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường học. Đến nay, các nhà trường trên địa bàn huyện đảm bảo đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, tu sửa, nâng cấp thiết bị, đồ dùng dạy phục vụ năm học mới. Đội ngũ giáo viên và học sinh huyện biên giới Sốp Cộp sẵn sàng bước vào năm học mới với quyết tâm thi đua “Dạy tốt, học tốt”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2022-2023.
Năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục được thực hiện ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Đáng chú ý, chương trình mới ở lớp 3 sẽ có 2 môn học bắt buộc là Tiếng Anh và Tin học. Đối với một tỉnh miền núi như Sơn La, việc triển khai 2 môn học này tại các trường địa bàn vùng sâu vùng xa, thiếu thốn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, sẽ gặp không ít khó khăn. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện thiếu khoảng 300 giáo viên dạy môn tiếng Anh và Tin học. Bên cạnh đó, các phòng chức năng, trang thiết bị, mạng Internet ở nhiều đơn vị trường, nhất là tại các điểm trường vùng cao cũng chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học. Trước tình hình đó, ngành Giáo dục Sơn La đã xây dựng một số giải pháp trước mắt để đảm bảo học sinh được học tập theo đúng chương trình mới.
Bà Điêu Thị Dân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, chia sẻ: Đảm bảo 100% học sinh lớp 3 trên địa bàn được học môn tiếng Anh và Tin học, Sở đã tập trung khai thác tối đa đội ngũ giáo viên tiếng Anh và Tin học hiện có trong các đơn vị trường học và trên địa bàn. Bố trí giáo viên tiếng Anh và Tin học dạy liên trường và thực hiện dạy thêm giờ tối đa theo quy định; trước mắt, sẽ thực hiện rà soát, sắp xếp lại học sinh lớp 3 ở các điểm trường lẻ về trường trung tâm để thực hiện dạy học. Bên cạnh đó, bố trí giáo viên dạy liên cấp, liên trường thông qua phương án dạy trực tiếp kết hợp với dạy trực tuyến. Đồng thời các cơ sở giáo dục sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của đơn vị để có những giải pháp linh hoạt, phù hợp và hiệu quả nhất...
Với tinh thần và quyết tâm “Tất cả vì học sinh thân yêu”, ngành Giáo dục và Đào tạo Sơn La đã sẵn sàng bước vào năm học với nhiều thành công, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Việt Anh - Nguyễn Thư
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!