SL - Lịch sử ngành giáo dục và đào tạo của đất nước ta gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, phong trào bình dân học vụ phát triển ở khắp nơi. Tuy nhiên, không được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta trong đó có khu Tây Bắc và tỉnh Sơn La. Chính vì vậy, phong trào học tập phải tạm dừng lại để tập trung cho nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc. Đến cuối năm 1953, nhất là sau ngày hòa bình năm 1954, giáo dục Tây Bắc, Sơn La mới bắt đầu được hình thành trở lại. Trong suốt chặng đường lịch sử đầy gian khó và đáng tự hào, giáo dục Sơn La đã góp phần không nhỏ cùng với nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng nền giáo dục cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Sau khi khu tự trị Thái Mèo được thành lập năm 1955, Ty giáo dục Tây Bắc cũng được thành lập với tổng số 24 giáo viên trong toàn khu, ở mỗi châu có một cán bộ phụ trách giáo dục mặc dù họ chưa phải là giáo viên. Cũng trong thời gian này, 20 giáo viên được cử đi học lớp sư phạm cấp tốc đầu tiên của Tây Bắc đã trở về công tác và đây chính là những hạt nhân đầu tiên xây dựng lên hệ thống giáo dục của vùng Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. Đặc biệt, từ tháng 9/1959, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng nghìn giáo viên miền xuôi đã xung phong lên phục vụ sự nghiệp giáo dục miền núi. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, năm học 1959-1960, đã có hơn 300 trường học của 18 châu thuộc Khu tự trị đã đồng loạt khai giảng, xã nào cũng có trường tiểu học, có thầy giáo về bản, có lớp bình dân học vụ dạy chữ phổ thông, chữ Thái. Phong trào thi đua học tập phát triển rộng khắp, với hơn 592 lớp 1-2, hơn 17.000 học sinh; 11 lớp cấp 2, với 169 học sinh và 1 lớp cấp III, với 26 học sinh; 1 trường sư phạm trung cấp, với hơn 20 giáo viên và 158 giáo sinh; 1 trường sư phạm cấp I với 150 thầy cô giáo và giáo sinh.
Giai đoạn 1967-1978, giáo dục Sơn La tiến vào thời kỳ phát triển rực rỡ. Hệ thống các trường cấp II được thành lập ở các xã vùng thấp, thị trấn, nông trường dọc theo các trục giao thông quốc lộ. Các trường cấp III đã phát triển ở hầu khắp các huyện lỵ. Mặc dù phải thực hiện nhiều cuộc sơ tán vì bị giặc Mỹ bắn phá, nhưng phong trào học tập vẫn không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các phong trào thi đua hai tốt, xây dựng trường tiên tiến; tổ lao động xã hội chủ nghĩa được phát động và triển khai rộng khắp, lan tỏa sâu rộng trong toàn ngành Giáo dục.
Năm 1979, giáo dục tỉnh Sơn La triển khai nhiều hoạt động thi đua sôi nổi; trong đó có Hội thi giáo viên giỏi lần đầu tiên triển khai ở các trường; các huyện và tổ chức cấp tỉnh năm 1981. Lần đầu tiên, toàn tỉnh đã có 27 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi. Hội thi đã tạo ra khí thế thi đua sôi nổi ở khắp nơi với các phong trào như “Thầy dạy tốt, trò học hay”; “Tiết dạy tốt, giờ học hay”. Hơn 7.000 giáo viên toàn ngành thi đua rèn luyện tay nghề, nâng cao chuyên môn, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức người giáo viên xã hội chủ nghĩa; “Tất cả vì học sinh các dân tộc Sơn La thân yêu”.
Ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam; cũng vào năm đó lần đầu tiên ngành Giáo dục tổ chức Lễ kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam trên phạm vi toàn quốc và từ đó đến nay, ngày 20/11, chính thức trở thành ngày truyền thống của ngành Giáo dục Việt Nam.
Tự hào được là những người viết tiếp trang lịch sử hào hùng của ngành Giáo dục. Trong suốt 40 năm kế tục, xây dựng và trưởng thành. Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, sự quan tâm phối hợp giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, hội, huyện ủy, thành ủy, UBND các huyện, thành phố; sự yêu thương, đùm bọc của đồng bào nhân dân các dân tộc Sơn La, giáo dục Sơn La đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 2000, tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh, với 100% số huyện; 98,53% số xã, phường, thị trấn đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học; hầu hết trẻ em trong độ tuổi đều được đi học tiểu học; 94% dân số trong độ tuổi 15-35 đã biết chữ. 10 năm tiếp theo, tỉnh Sơn La tiếp tục hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2006. Đến năm học 2022-2023, tỉnh Sơn La có 609 trường mầm non, phổ thông, GDTX với 385.807 học sinh (có 14 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường TH-THCS-THPT ngoài công lập). Có 6 trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh; trong đó có 2 trung cấp, 3 trường cao đẳng và 1 trường đại học.
Với quyết tâm “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, “Tất cả vì học sinh Sơn La thân yêu”, “Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”, giáo dục Sơn La đã đạt được những thành tích đáng tự hào, nhiều học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp quốc gia. Tính riêng từ năm 1996 đến 2022, toàn tỉnh đã có 285 học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; 2 huy chương vàng tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế; 1 huy chương bạc và 1 huy chương vàng tại kỳ thi Olympic vật lý châu Á; 1 huy chương bạc tại kỳ thi Vật lý thế giới; 1 huy chương bạc tại triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng chế trẻ tại Indonesia; 1 giải ba Chung kết đường lên đỉnh Olympia.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng giáo dục Sơn La đã sáng tạo, phát triển đột phá về chất lượng. Tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT ngày càng nâng cao, năm học 2021-2022 đạt 99,6%; khoảng cách về chất lượng thể hiện qua điểm trung bình các môn học ngày càng gần với các tỉnh miền xuôi. Công tác xóa mù chữ, huy động trẻ đến trường đạt trên 99,9%; có 100% số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6; tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15-60 tuổi biết chữ đạt 94,4%; cơ sở vật chất các nhà trường được đầu tư đồng bộ, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 72,1%, phòng học bán kiên cố 24,8%, phòng học tạm chỉ còn 3,1%. Thiết bị tối thiểu tính bình quân cấp học mầm non đạt 75,05%, cấp tiểu học đạt 77,7%, cấp THCS đạt 56,75%; cấp học THPT - GDTX đạt 52,3%. Công tác quản lý và quản trị hành chính giáo dục được hiện đại hóa bằng việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tích hợp theo tiêu chuẩn quốc tế IMS (ISO 9001:2015 và ISO 21001:2018); các nhà trường tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào công tác quản trị nhà trường và tổ chức hoạt động giáo dục.
Bên cạnh việc phát triển giáo dục và đào tạo trong tỉnh, giáo dục Sơn La tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế, thúc đẩy công tác đối ngoại nhân dân đối với nước bạn Lào, mở rộng hợp tác trong giáo dục và đào tạo với các tỉnh Bắc Lào, góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
Phát huy truyền thống, ngành Giáo dục và đào tạo tiếp tục giữ vững và nâng cao thành tích đã đạt được, thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, xây dựng tỉnh Sơn La trở thành một trong những trung tâm GD&ĐT đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của khu vực Tây Bắc. Có hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, GDTX và giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và cơ cấu ngành nghề đào tạo đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Hoàn chỉnh hệ thống cơ sở vật chất, cải thiện chương trình giảng dạy và nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên. Có đầy đủ các điều kiện nhân tài, vật lực cho việc thực hiện các mục tiêu đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục nhằm phát triển toàn diện về kiến thức, nhân cách và nghề nghiệp; gắn giáo dục và đào tạo với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, khu vực và cả nước. Phát huy sức mạnh tổng hợp cho phát triển giáo dục và đào tạo, đáp ứng tốt nhu cầu học tập và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần to lớn phục vụ sự nghiệp xây dựng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguyễn Huy Hoàng
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!