Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan quản lý nhà nước đã thể hiện quyết tâm trong đẩy mạnh tự chủ; tiến hành xây dựng hệ thống văn bản triển khai tự chủ theo tinh thần của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14); xây dựng được một số mô hình tự chủ hiệu quả, tạo tiền đề để triển khai sâu rộng trên toàn hệ thống.
Luồng sinh khí bên trong hệ thống
PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, thực hiện tự chủ, trường đã chuyển đổi mô hình tổ chức quản trị, phát triển gồm: phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định. Người thầy được tạo điều kiện tối đa để phát triển giảng dạy và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo đảm tính hiện đại và phát triển bền vững.
GS, TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân cho biết, quá trình thực hiện tự chủ của trường được thể hiện trong nhiều lĩnh vực như: mở ngành, mở chuyên ngành và phát triển chương trình đào tạo mới mang tính liên ngành, xuyên ngành. Trường cũng tự chủ công tác tuyển sinh và quyết định các hoạt động đào tạo bảo đảm chuẩn đầu ra đã cam kết, bảo đảm chất lượng đào tạo. Đáng chú ý, để tăng cường tự chủ trong đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân tiếp tục tăng các chương trình bằng tiếng Anh; xây dựng đề án tuyển sinh tự chủ, giảm dần và tiến tới độc lập với kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Kết quả khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập hội đồng trường theo Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP (đạt 90,6%); trong đó, việc thành lập hội đồng trường tại các trường trực thuộc các bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ 91,18%. Ngoài ra, có hơn 80% số trường triển khai tự chủ toàn diện, sâu rộng về tuyển sinh và đào tạo; hơn 65% số trường triển khai tự chủ toàn diện, sâu rộng về hoạt động khoa học và công nghệ. Về tài chính có 32,76% trường đại học tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 13,79% trường tự bảo đảm chi thường xuyên. Giảng viên thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu đồng trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97% sau 3 năm thực hiện tự chủ. Đáng chú ý, lĩnh vực khoa học và công nghệ, số lượng bài báo quốc tế trong danh mục Web of Science (WoS) tăng thêm 3,5 lần sau 4 năm; số bài báo trong danh mục SCOPUS của các cơ sở giáo dục đại học tăng thêm hơn bốn lần. Năm 2022, lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, Việt Nam có 5 đại học được xếp hạng cao trong tốp 500 thế giới của Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS); lĩnh vực kinh doanh và kinh tế, Việt Nam có hai đại diện; lĩnh vực khoa học xã hội, Việt Nam có ba đại diện trong Bảng xếp hạng Times Higher Education...
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, tự chủ đại học như một cuộc cách mạng để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học. Việc thực hiện tự chủ đại học diễn ra dưới sự chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt thông qua các chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước trong ba thập niên vừa qua và đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực.
Sản xuất thực nghiệm tại Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Nhất là trong mấy năm vừa qua, thực hiện Luật số 34/2018/QH14, các cơ sở giáo dục đại học năng động hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn, cả hệ thống đại học đã có những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động. “Có thể nói, luồng sinh khí mạnh mẽ đã xuất hiện từ bên trong của hệ thống, thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học phát triển. Giá trị và phương diện tích cực của tự chủ đại học là rõ ràng, hiển nhiên, không thể phủ nhận được”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
Tự chủ là để phát huy hết nguồn lực
Mặc dù tự chủ đại học là xu thế tất yếu nhưng hiện vẫn còn những vướng mắc do sự thiếu đồng bộ giữa các luật. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, quá trình triển khai thời gian qua vẫn có những vướng mắc do hệ thống các văn bản quy định pháp luật chồng chéo và thậm chí có cả những ngộ nhận về các quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan tới tự chủ.
Chia sẻ về những bất cập, GS, TS Trần Đức Viên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền dường như vẫn duy trì cách tiếp cận từ góc độ cấp phát tài chính thông qua mức độ tự bảo đảm kinh phí hoạt động mà chưa quản lý theo định hướng kết quả đầu ra; vẫn có những nhầm lẫn giữa “tự chủ” với “tự túc kinh phí”.
Trong khi đó, tự chủ đại học không phụ thuộc vào nguồn lực tài chính mà phụ thuộc vào năng lực của từng trường. Thí dụ, các tỉnh miền núi sẽ không thể tự bảo đảm tài chính như các thành phố lớn, nhưng không phải vì thế mà đánh giá tỉnh miền núi hoạt động kém được. GS, TS Trần Đức Viên kiến nghị cần đổi mới các công cụ chính sách tự chủ đại học; xây dựng đầy đủ hệ thống pháp luật điều chỉnh hành vi liên quan đến các nội dung tự chủ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi. “Cần tránh việc tự chủ trên giấy tờ nhưng trói buộc về thực tế”, GS, TS Trần Đức Viên nêu quan điểm.
Bí thư Đảng ủy , Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế, PGS, TS Huỳnh Văn Chương nêu bất cập về việc chưa có các quy định cụ thể để thể hiện được đúng nghĩa hội đồng trường là tổ chức đại diện sở hữu nhà nước của cơ sở giáo dục đại học. Đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, làm cho hội đồng trường chưa có đủ sức mạnh để thực thi theo luật định. Vì vậy, PGS, TS Huỳnh Văn Chương kiến nghị cần có quy định cụ thể để thể hiện được đúng nghĩa hội đồng trường là tổ chức đại diện sở hữu nhà nước và có thực quyền cao nhất trong cơ sở đào tạo đại học.
PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng các chính sách, văn bản pháp luật mới có tính chất dẫn dắt quá trình tự chủ đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần triển khai nghiên cứu quy mô, khảo sát và đánh giá toàn diện quá trình thực hiện và kết quả thí điểm tự chủ đại học tại Việt Nam trong thời gian qua. Riêng các cơ sở giáo dục đại học cần bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu trong quản trị đại học.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tự chủ đại học là một chặng đường rất dài, phía trước còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tự chủ đại học là đúng và mang lại kết quả tốt hơn. “Tự chủ là để phát huy hết nguồn lực về con người, tài chính. Làm sao để tự chủ đại học là thay đổi quản trị đại học thành mô hình quản trị tiên tiến và là hình mẫu không gian hoạt động có tính khoa học, văn hóa”.
Về nguyên tắc, tự chủ không phải là tự do, tự lo, không có quản lý nhà nước. Tự chủ cần thực hiện đúng pháp luật, gắn tự chủ với trách nhiệm giải trình. Thực hiện tự chủ, các trường nhất thiết phải có quy chế nội bộ như là “luật” của trường trên cơ sở lấy ý kiến công khai, minh bạch; phải bảo đảm đúng quy định Bí thư Đảng ủy là Chủ tịch hội đồng trường. Việc thực hiện tự chủ không chỉ giữa bộ với các trường, mà còn ở các khoa, các ngành trong các trường.
Quá trình thực hiện tự chủ cần hình thành sao cho có đột phá trong nghiên cứu khoa học, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học. Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Giáo dục và Đào tạo xem lại vấn đề kiểm định để vấn đề này không còn là nút thắt cho các trường có đủ điều kiện tự chủ; tháo gỡ những bất cập trong việc thành lập hội đồng trường và các cơ cấu tổ chức khác; có những nghiên cứu, kiến nghị liên quan cơ cấu nhân sự…
Ngày 4/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị tự chủ đại học năm 2022. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự, phát biểu chỉ đạo. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đã đạt được trong triển khai tự chủ đại học, thẳng thắn nhìn nhận khó khăn, vướng mắc, xác định những nguyên nhân trọng yếu, từ đó định hướng lộ trình cùng những việc cần làm trong thời gian tới. Hơn 900 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; đại diện các hiệp hội, các tổ chức quốc tế tham dự phân tích, thảo luận tập trung vào các vấn đề: Chiến lược phát triển và hội nhập quốc tế; đổi mới quản trị đại học và quản lý nhà nước; nguồn lực cho phát triển giáo dục đại học.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!