Những năm qua, Trường tiểu học và THCS Quy Hướng, huyện Mộc Châu, đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới phương pháp dạy và học, làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn xã, góp phần rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các vùng trên địa bàn huyện.
Điểm trường Trung tâm của Trường tiểu học và THCS Quy Hướng, huyện Mộc Châu.
Trường TH và THCS Quy Hướng nằm ở xã vùng ven sông Đà nên gặp nhiều khó khăn, nhiều bản cách xa trung tâm xã từ 15 đến 20km, tỷ lệ hộ nghèo cao; trước đây một số điểm trường lẻ là nhà tạm, chưa có nhà công vụ và nhà vệ sinh cho giáo viên, học sinh... đã ảnh hưởng đến công tác dạy và học của nhà trường, mỗi năm tỷ lệ học sinh yếu kém chiếm từ 10 đến 15% số học sinh toàn trường; vẫn còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.
Khắc phục khó khăn, nhà trường đã động viên, khích lệ giáo viên tiếp tục bám trường, bám lớp để dạy học. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị với các cấp, các ngành, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp trường học. Đến nay, điểm trường trung tâm đã được cải tạo, khối nhà bán trú và nhà công vụ cho giáo viên chuyển từ nhà tạm sang nhà bán kiên cố, sân trường được đổ bê tông, xây dựng hệ thống tường rào. 100% các điểm trường lẻ được xây dựng bán kiên cố, có nhà công vụ cho giáo viên và nhà vệ sinh, có bàn ghế đảm bảo chất lượng.
Hiện, nhà trường có 1 điểm trường trung tâm và 4 điểm trường lẻ, với 41 cán bộ, viên chức và 4 nhân viên. Năm học 2022-2023, trường có 29 lớp, 717 học sinh ở hai khối tiểu học và THCS. Hằng năm, nhà trường đã phát động các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và cuộc vận động “Hai không” trong ngành giáo dục.
Một giờ học của cô và trò Trường TH và THCS Quy Hướng.
Thầy giáo Nguyễn Văn Huy, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường luôn chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh; lựa chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi ngay từ đầu cấp và tổ chức phụ đạo học sinh yếu, kém. Khuyến khích, tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng sư phạm, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Đồng thời, tạo môi trường phát huy khả năng sáng tạo, khơi dậy đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh.
Nếu như trước đây, nhà trường chưa có học sinh giỏi, thì nay, số lượng học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh tăng theo từng năm học. Đặc biệt, đã có nhóm học sinh đoạt giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm 2020, với dự án “Thiết bị nâng lên, hạ xuống lồng cá tự động bằng cảm biến nhiệt”. Riêng năm học 2021-2022, trường có 3 học sinh giỏi cấp tỉnh, 6 học sinh giỏi cấp huyện môn Địa lý và Sinh học; 2 học sinh đoạt giải ba tại cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi khối THCS đạt 38%; 99,6% học sinh khối tiểu học hoàn thành chương trình cấp tiểu học.
Học sinh học bài tại phòng bán trú.
Toàn trường có 64 học sinh bán trú, trong đó 48 em thuộc diện được hưởng chế độ, còn lại gia đình học sinh đóng góp. Nhà trường đã thành lập tổ bếp ăn bán trú; liên kết với các nhà cung cấp thực phẩm an toàn; giám sát, kiểm tra chặt chẽ từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến. Công tác quản lý bán trú, quan tâm chăm sóc sức khỏe cho học sinh được thực hiện tốt.
Nhân viên y tế nhà trường chăm sóc sức khỏe học sinh bán trú.
Em Đinh Thị Anh Thư, lớp 9B, cho biết: Gia đình em ở bản Đồng Giăng, cách trường 17km. Ngay từ năm lớp học 6 em đã được ăn, ở bán trú tại trường. Định kỳ hằng tuần, tháng, nhà trường tổ chức sinh hoạt bán trú, hướng dẫn chúng em sinh hoạt đúng giờ giấc, rèn luyện tính ngăn nắp, sạch sẽ khi sống trong môi trường tập thể. Đồng thời, mỗi buổi tối tự học, chúng em còn được thầy cô trực bán trú hướng dẫn, hỗ trợ, nên kết quả học tập của chúng em tốt hơn.
Học sinh bán trú trồng và thu hoạch rau xanh bổ sung cho bữa ăn.
Từ năm học 2021-2022, nhà trường có 13 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ được đỡ đầu, với mức 500.000 đồng/học sinh/tháng. Trong đó, 3 em do các cán bộ, viên chức và nhân viên nhà trường trích một phần tiền lương hằng tháng để hỗ trợ, 10 em còn lại do các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện nhận đỡ đầu. Từ việc tổ chức nấu ăn bán trú và hỗ trợ kinh phí hằng tháng, đã động viên các gia đình và học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục học tập. Năm học 2021-2022, nhà trường duy trì 100% sĩ số học sinh, không có trường hợp bỏ học giữa chừng.
Gia đình ông Hà Văn Tâm, bản Nà Quền, xã Quy Hướng, hiện có 4 cháu trong độ tuổi đến trường. Ông Tâm cho biết: Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng được các thầy cô giáo đến tận nhà thăm hỏi, quan tâm việc học của con cháu, chúng tôi cố gắng tạo điều kiện cho các cháu đi học đầy đủ.
Giáo viên Trường TH và THCS Quy Hướng vận động gia đình có hoàn cảnh khó khăn quan tâm việc học của con em.
Với sự tận tâm, trách nhiệm của thầy, cô giáo, cùng sự nỗ lực của học sinh, phụ huynh, đã giúp chất lượng giáo dục của Trường TH và THCS Quy Hướng đạt những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, nhà trường vẫn còn nhiều khó khăn, như: Thiếu giáo viên tiểu học; thiếu phòng tin học, thực hành thí nghiệm; giáo viên thực hiện quản lý công tác bán trú nhưng không có phụ cấp. Rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí nguồn nhân lực, để tạo điều kiện từng bước xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!