Trường Chính trị tỉnh Sơn La thành lập ngày 20/12/1962, tiền thân là Trường Đảng tỉnh, đến tháng 12/1993 hợp nhất với Trường Hành chính tỉnh và Trường Đoàn Lò Văn Giá, thành Trường Đào tạo - Bồi dưỡng cán bộ tỉnh. Ngày 31/5/1995, Ban Thường vụ tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Quyết định số 738-QĐ/TU đổi tên thành Trường Chính trị tỉnh Sơn La.
Trong các giai đoạn phát triển, nhà trường luôn coi trọng và đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng của đất nước nói chung, của tỉnh Sơn La nói riêng. Từ đó, góp phần làm sáng tỏ lý luận của Đảng, củng cố và mở rộng kiến thức, nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ của học viên, giúp bài giảng của giảng viên thêm sâu sắc, sinh động, cuốn hút, không chỉ đảm bảo chất lượng công tác giảng dạy lý luận chính trị đối với học viên là đội ngũ cán bộ công chức viên chức mà còn góp phần tư vấn cho cấp ủy, chính quyền địa phương hoạch định chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài của địa phương.
Trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách và đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Hàng năm, nhà trường ban hành kế hoạch, định hướng nghiên cứu khoa học. Thành lập Hội đồng khoa học, Hội đồng sáng kiến, Ban Biên tập Bản tin gồm các giảng viên có năng lực nghiên cứu, trình độ chuyên môn trong từng chuyên ngành nhằm tư vấn cho Ban Giám hiệu về phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và đánh giá, thẩm định các sản phẩm nghiên cứu theo quy định.
Từ năm 2015 đến nay, nhà trường đã triển khai nghiên cứu và đưa vào ứng dụng 30 đề tài, đề án cấp trường, 29 đề tài cấp khoa phòng. Tổ chức biên soạn, chỉnh lý các tài liệu, giáo trình phục vụ công tác giảng dạy và học tập của nhà trường, như giáo trình “Kinh nghiệm và thực tiễn xây dựng, phát triển tỉnh Sơn La” đã được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nghiệm thu năm 2021. Công tác nghiên cứu thực tế của giảng viên và học viên luôn được nhà trường quan tâm chỉ đạo sát sao, nhằm gắn lý luận với thực tiễn, thiết thực phục vụ giảng dạy và học tập.
Nhà trường đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Sơn La, các viện nghiên cứu và các cơ quan, đơn vị tổ chức thành công hội thảo khoa học cấp Bộ với chủ đề “Phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới”; tổ chức được 45 hội thảo khoa học cấp trường và cấp khoa phòng với quy mô, chất lượng ngày càng được nâng lên. Hàng năm, nhà trường đều đạt và vượt định mức giờ nghiên cứu khoa học/công trình khoa học, trong đó từ năm 2013-2020, số giờ nghiên cứu khoa học định mức là 45.207 giờ, đã thực hiện 67.158 giờ, vượt định mức 21.951 giờ (48,5%).
Trong giai đoạn phát triển mới hiện nay, nhà trường tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ viên chức nhà trường đối với công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Các sản phẩm nghiên cứu khoa học đảm bảo tính phát hiện mới đòi hỏi không có sự lặp lại, tính hữu ích phục vụ con người, và tính tin cậy, khách quan, hiệu quả.
Tham mưu đề xuất với tỉnh hỗ trợ, đầu tư về tài chính, nhân lực, vật lực và sự phối hợp tạo điều kiện của các đơn vị liên quan trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn. Tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức đưa học viên đi nghiên cứu thực tế và giảng viên đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở.
Thường xuyên rà soát, bổ sung Quy chế nghiên cứu khoa học và Quy chế chi tiêu nội bộ nhằm động viên, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, đảm bảo các điều kiện cho cán bộ viên chức yên tâm nghiên cứu, chủ động tích cực nghiên cứu sáng tạo. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, lưu trữ, quản lý và khai thác sử dụng có hiệu quả các công trình khoa học. Kịp thời khen thưởng người có thành tích cao trong hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng phương pháp nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cho cán bộ giảng viên. Phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu khoa học uy tín mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn chuyên sâu cho các giảng viên, nghiên cứu viên. Đề xuất Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo cấp Viện, cấp Học viện, cấp Nhà nước bằng hình thức trực tuyến. Đề nghị Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện các đề tài, hội thảo khoa học cấp bộ trở lên. Đồng thời hàng năm phân bổ tỷ lệ các đề tài, hội thảo cấp bộ trở lên cho các trường chính trị tỉnh đăng ký, bảo vệ, và thực hiện.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!