Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học.
Ngày 1/11, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế "Thúc đẩy hợp tác viện, trường và doanh nghiệp trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam".
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, thị trường khoa học và công nghệ ở nước ta là bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mặc dù đã bước đầu được hình thành và đạt được những kết quả nhất định, song vận hành còn nhiều rào cản, vướng mắc; quan hệ tương tác, hợp tác giữa các chủ thể, nhất là viện, trường và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
Do vậy, phát triển thị trường khoa học và công nghệ một cách mạnh mẽ là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngày 23/9/2022, trong Hội nghị về thị trường khoa học và công nghệ Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định một trong những quan điểm, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển thị trường khoa học và công nghệ là phải lấy nghiên cứu khoa học làm nền tảng, nhà khoa học là động lực và doanh nghiệp là trung tâm, phù hợp với bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân và quốc tế, đẩy nhanh tốc độ đổi mới sản phẩm và dịch vụ có độ tích hợp cao về công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu và chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
Hội thảo nhằm ghi nhận các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Bộ Chính trị, chiến lược và chương trình phát triển khoa học và công nghệ của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm nào trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập; giải pháp để các viện, trường và doanh nghiệp hợp tác mạnh mẽ cùng nhau trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.
PGS,TS Nguyễn Văn Tích, Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần cho phép Đại học Quốc gia tổ chức thí điểm mô hình phát triển thị trường khoa học công nghệ, trong đó có phát triển nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao, đưa các sản phẩm khoa học công nghệ vào cuộc sống thông qua triển khai chương trình khoa học và công nghệ phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế ven biển.
Chương trình có sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và đại học, từ đó sẽ hình thành hai kết quả quan trọng, đó là: phát triển sản phẩm có khả năng cạnh tranh để xuất khẩu thông qua chuyển giao khoa học công nghệ và cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, với các tổ chức mới được hình thành như doanh nghiệp trong trường đại học, nhân lực khoa học và công nghệ theo lĩnh vực, quỹ đầu tư khoa học và công nghệ từ doanh nghiệp, môi trường ứng dụng khoa học công nghệ…
Nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc, PGS Donald Scott Kemmis - chuyên gia quốc tế - đưa ra một số khuyến nghị như: Cho phép các trường đại học có toàn quyền sở hữu các tài sản trí thức được tạo ra bởi nghiên cứu do Nhà nước tài trợ, quản lý một cách thích hợp việc thương mại hóa các tài sản đó và giữ lại doanh thu từ việc thương mại hóa; nhìn nhận lại cách các trường đại học ở Việt Nam có thể bổ sung tốt nhất cho các chương trình của Chính phủ nhằm phát triển năng lực quản lý và công nghệ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; lồng ghép sự phát triển hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp vào các chương trình nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị và các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt…
Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị xem xét điều chỉnh các quy định về quản lý tài sản công liên quan đến thương mại hóa tài sản trí tuệ để các viện nghiên cứu, trường đại học có thể dễ dàng định giá tài sản trí tuệ, phục vụ cho thương mại hóa; sửa các quy định về quản lý tài sản công để có mức hỗ trợ hợp lý cho các đơn vị, cá nhân sử dụng tài sản trí tuệ công hình thành trong quá trình nghiên cứu nhằm khuyến khích đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào nền kinh tế; đồng thời xem xét điều kiện để tác giả các nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu có thể tham gia quản lý, điều hành các doanh nghiệp khoa học, công nghệ…
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!