Thi trắc nghiệm liệu có đánh giá được toàn diện năng lực của thí sinh?

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố Dự thảo phương án tổ chức thi Trung học phổ thông (THPT) Quốc gia và xét tuyển đại học năm 2017. Dư luận xã hội không khỏi băn khoăn rằng, liệu một số đổi mới trong phương án thi cử 2017 có đáp ứng được mục tiêu chung của ngành giáo dục kỳ vọng bấy lâu nay?

Nhiều băn khoăn đang được dư luận đặt ra trước dự thảo phương án tổ chức thi THPT Quốc gia  

và xét tuyển Đại học năm 2017  mà Bộ GD&ĐT mới công bố.

Trước đó, để thăm dò dư luận, đồng thời tạo sự đồng thuận của xã hội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến vào sáng 8/9 tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga với mục đích chính giải đáp những băn khoăn, lo lắng của dư luận về phương án thi cử của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. Tuy nhiên, ngay trong khuôn khổ buổi họp báo đã nảy sinh nhiều luồng quan điểm trái chiều rất cần những giải đáp thỏa đáng.

Thứ nhất, trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, đổi mới giáo dục là cần thiết. Hai năm qua việc đổi mới thi cử đã giảm nhẹ thời gian và tiền bạc cho xã hội, nhất là việc giao cho các Sở Giáo dục chủ trì. Điều quan trọng là Bộ phải giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác thanh tra, quy trách nhiệm và có chế tài cụ thể để những người đứng đầu thấy rõ được trách nhiệm của mình.

Tuy nhiên, việc Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ “chỉ là thay đổi về kỹ thuật” thì cần công bố lộ trình khoa học và công khai để các cơ sở giáo dục có thời gian chuẩn bị và học sinh có tâm lí ổn định. Dự kiến kỳ thi năm 2017 sẽ chuyển từ thi theo môn sang thi theo bài, với 5 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Ngoài bài thi Ngữ văn vẫn thi theo hình thức tự luận, các bài thi khác đều theo phương thức trắc nghiệm, chấm thi trên máy tính nhằm đảm bảo tính công bằng, tránh học tủ, học lệch của học sinh. Trong đó, đề trắc nghiệm môn Toán sẽ gồm 50 câu, các bài trắc nghiệm còn lại sẽ có 60 câu. Với các bài thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh trong một phòng thi sẽ có một đề thi riêng với độ khó tương đương nhau để ngăn ngừa tiêu cực…

Nhưng sau những giải thích của đại diện lãnh đạo ngành giáo dục lại khiến không ít người băn khoăn. Vì các bài thi tổ hợp với thời gian rút ngắn hơn nhiều so với trước chắc chắn sẽ gây khó khăn cho thí sinh, hơn nữa các cấu phần của bài thi với lượng kiến thức rộng lớn nhưng chỉ ra vỏn vẹn có trong câu trắc nghiệm liệu có đánh giá khách quan được năng lực và trình độ của thí sinh? Từ đó, liệu các trường Đại học có chọn được người tài vào để đào tạo? Chúng ta vẫn chưa quên trường hợp của một thí sinh trong kỳ thi vừa qua do đã “khoanh bừa” mà được 10 điểm môn Vật Lý, nhưng môn Toán làm tự luận chỉ được điểm 0 là một minh chứng sinh động!

Thứ hai, theo giải thích, trong bài thi tổ hợp đó thí sinh không nhất thiết phải làm hết các cấu phần mà chỉ chọn những cấu phần liên quan đến tổ hợp môn xét đại học (trong khi mỗi trường Đại học có phương án xét tuyển khác nhau) và điểm liệt chỉ tính khi thí sinh bị điểm liệt của toàn bài thi?! Nếu thế về hình thức có khác nào thi các môn riêng biệt? Học sinh vẫn có thể học lệch, học tủ, cấu phần nào không liên quan có thể bỏ qua (mặc dù bài thi Khoa học tự nhiên gồm 3 môn Lý, Hóa, Sinh, nhưng nếu thí sinh thi khối A1 sẽ chỉ phải làm mỗi môn Lý, còn 2 môn kia thì tích theo kiểu chơi lottery (một trò chơi sổ số may ăn khôn). Ngược lại, nếu thi khối A , thí sinh sẽ phải làm cả Lý và Hóa, nhưng lại vẫn chỉ trong 90 phút thôi, vậy thời gian làm bằng 1/2 so với khối A1. Tương tự khối B, thí sinh sẽ phải làm bài thi Hóa và Sinh. Nếu thí sinh thi khối D thì cả 2 bài Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội chỉ cần tích bừa chống điểm liệt là được. Như thế chỉ giảm bớt thời gian thi, mà điều đó không quan trọng bằng việc lựa chọn, đánh giá năng lực thực của thí sinh để tiếp tục đào tạo họ theo những năng lực, trình độ khác nhau. Mà xét tuyển theo hình thức như vậy liệu các trường Đại học có lựa chọn, đánh giá đúng được trình độ của thí sinh bởi thi trắc nghiệm như vậy không thể đánh giá khách quan, vẫn có những học sinh may rủi, thậm chí với tỉ lệ cao mà không có phân độ chính xác được.

Thứ ba, một bước “đột phá” của Dự thảo đổi mới thi năm 2017 là môn Toán được thi theo hình thức trắc nghiệm, được lý giải là: “chúng ta có thể giải Toán theo nhiều cách nhưng chỉ có một đáp số, do đó những em học giỏi có thể tìm đáp án nhanh hơn, dành thời gian làm những câu khác”.

Vâng, điều đó đúng với những em học giỏi, còn kỳ thi chung này cũng vừa là để xét tốt nghiệp, mà số đông học sinh của chúng ta chưa giỏi. Nhưng ngay cả với học sinh giỏi cũng gặp khó khăn nếu thi theo cách này. Vì trên thực tế, có những câu nếu tìm ra kết quả đúng là học sinh đã được 2 điểm, nhưng nếu trình bày theo phương pháp tự luận có khi chỉ được điểm 0,0 điểm vì thí sinh hổng kiến thức, không biết cách trình bày. Đấy là chưa kể tới nếu thi trắc nghiệm hoàn toàn sẽ  làm thui chột khả năng tư duy logic, khoa học, đánh giá, nhận xét của học sinh. Không phân biệt được thực lực của thí sinh chỉ dựa trên kết quả, có chăng chỉ giảm được số thí sinh có điểm liệt môn Toán. Mà nếu vậy thì điều mà Bộ GD&ĐT đang làm phải chăng vẫn là bệnh thành tích khi chúng ta nhìn vào kết quả kỳ thi năm 2016 (riêng môn toán có nhiều thí sinh bị điểm liệt nhất với 14.000 bài thi) và sai lệch đi những mục tiêu chung đặt ra ban đầu của công cuộc đổi mới giáo dục.

Có thể nói thi trắc nghiệm môn Toán sẽ làm mất đi thành quả giáo dục của nhiều thế hệ giáo viên trong lịch sử giáo dục Việt Nam. Mà thay đổi cách thi là phải thay đổi về cách dạy và cách học, chứ không phải là “không phải cứ thi thế nào thì dạy thế ấy”. Bởi chúng ta sẽ đánh giá trình độ của học sinh qua phương diện nào nếu không phải là kết quả học tập?

Không chỉ với môn Toán, mà với nhiều môn xã hội khác như Lịch sử, Địa lí cũng thi trắc nghiệm, mà theo như lãnh đạo Bộ giải thich là để khắc phục tình trạng chưa sử dụng triệt để công nghệ thông tin vào chấm thi! Không lẽ thay đổi cách thi chỉ để ứng dụng công nghệ thông tin? Nếu vậy Đề án ngoại ngữ Quốc gia đến năm 2020, một trong những nội dung là nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các trường phổ thông đang còn trong lộ trình, vậy sao trong dự thảo, Bộ GD&ĐT lại bỏ phần thi tự luận môn Tiếng Anh trong khi kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, 2016, phổ điểm môn ngoại ngữ là thấp nhất!? Phải chăng đó cũng là chỉ để ứng dụng công nghệ thông tin một cách triệt để trong thi cử???

Thi trắc nghiệm sẽ đánh giá năng lực học sinh qua tiêu chí nào khi mà các mức độ trong mỗi tiết học đều hướng tới đảm bảo mục tiêu của giáo dục đề ra: từ mức nhận biết, hiểu, phân tích, so sánh và nhận xét đánh giá? Như vậy không lẽ việc hoàn chỉnh đổi mới của Bộ GD&ĐT là chỉ cần học sinh nhớ kiến thức, như thế có khác nào làm mất đi năng lực tư duy của học sinh? Trong khi đó, tiêu chí để đánh giá, nhận xét mỗi giáo viên lại dựa trên cách thức tổ chức, hướng dẫn của giáo viên như thế nào để học sinh làm trung tâm của mỗi giờ học và phát triển tối đa năng lực của các em.

Ai cũng biết, thực hiện đổi mới thi cử trước hết là vì quyền lợi của thí sinh. Vậy trước khi công bố dự thảo trên, Bộ GD&ĐT có khảo sát ý kiến của giáo viên và học sinh THPT hay không? Nếu đa số không đồng thuận thì Bộ GD&ĐT có lùi lại phương thức thi trong năm học 2017 không? Đành rằng không phải mọi ý kiến đều đúng nhưng đã nói đổi mới vì học sinh thì xin hãy tôn trọng họ. Đổi mới thi cử thì phải đi đôi với đổi mới phương pháp học, cách dạy và học cũng sẽ thay đổi theo để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thi cử bởi ngay từ đầu năm lớp 10 các em đã được học theo phương pháp cũ, lựa chọn theo khối, giờ Bộ thay đổi cách thi làm sao học sinh có thể thích nghi kịp. Kết quả có đảm bảo chính xác, công bằng và khách quan không, khi mà cứ đổi mới liên tục trên nền tảng cũ?!

Trong lịch sử giáo dục xưa nay là vẫn học gì thi nấy. Và trong những năm gần đây, Bộ GD&ĐT có nhiều đổi mới, nhưng tâm lý chung của xã hội và học sinh thì luôn là "thi gì học nấy”. Bởi thế mới dẫn đến tình trạng học tủ, học lệch, những môn không thi thì bị coi là môn phụ. Đúng là thi trắc nghiệm không còn là mới, nhưng với cách giáo dục truyền thống lâu nay của Việt Nam, nó chưa đánh giá được toàn diện năng lực của thí sinh. Nếu Bộ GD&ĐT định học theo cách thi trắc nghiệm môn Toán của một số nước trên thế giới thì cũng nên chấm thi theo họ là câu làm sai trong phiếu trả lời trắc nghiệm sẽ bị trừ điểm. Có như vậy mới không còn tình trạng khoanh bừa để “may ăn khôn”!

Hiến pháp năm 2013, Điều 61 quy định: "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài". Với lộ trình đó, Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Hội nghị 8 đề ra những quan điểm và mục tiêu đối với vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam. Nhưng Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học…

Thiết nghĩ, trong quá trình đổi mới giáo dục, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc. Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình và bước đi phù hợp. Từ đó, có những bước đi thận trọng, đồng bộ, lắng nghe ý kiến của các cơ sở giáo dục, dư luận xã hội và đặc biệt là đối tượng được đổi mới để tạo sự đồng thuận, xây dựng một nền giáo dục khoa học, hiện đại trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là đáp ứng được mục tiêu giáo dục con người mà Đảng và Nhà nước đã đề ra./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới