Là tỉnh nằm ở khu vực miền trung, thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ, nhưng với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, ngành giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế đã phát triển vững chắc cả về số lượng lẫn chất lượng. Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 205 trường mầm non; 2.411 nhóm trẻ và lớp mẫu giáo.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Đặng Phước Mỹ cho biết: Thực hiện chính sách đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non là một trong những nội dung được ngành giáo dục chú trọng bằng những giải pháp phù hợp đặc điểm vùng, miền.
Cụ thể, đối với khu vực đô thị, mật độ dân số cao, quy mô hệ thống các trường mầm non công lập không đủ đáp ứng nhu cầu ra lớp của trẻ, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành rà soát, kiểm tra, ra quyết định thành lập các trường mầm non tư thục.
Ở khu vực ven biển, cuộc sống người dân không ổn định cho nên việc huy động trẻ ra lớp cũng gặp nhiều khó khăn, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ trương quy hoạch cụm dân cư, xây dựng trường mầm non tại các khu tái định cư, vận động nhân dân lên bờ và sống tập trung, đưa con đến trường, đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ để người dân yên tâm đưa trẻ đến trường... Với nhiều giải pháp đồng bộ, vừa quy hoạch, sắp xếp lại, vừa xây dựng mới mạng lưới trường, lớp mầm non từ 882 điểm trường nay chỉ còn 374 điểm trường.
Theo đồng chí Đặng Phước Mỹ, để phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non, ngoài phần đầu tư từ ngân sách nhà nước, có sự hỗ trợ nhiệt tình của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và của người dân. Tỉnh đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc đầu tư cho giáo dục mầm non, nhiều địa phương đã huy động toàn xã hội tham gia.
Phong trào toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục được đẩy mạnh, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế-xã hội đã tích cực tham gia ủng hộ tiền của, công sức xây dựng cơ sở vật chất, trường, lớp, hiến đất làm trường. Nhiều gia đình tự nguyện hiến đất, ủng hộ kinh phí xây dựng trường, lớp, mua sắm trang thiết bị...
Ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm cụ thể hóa các chính sách về đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Thành phố đã bố trí quỹ đất trong kế hoạch sử dụng đất đai của địa phương để xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư nguồn lực.
Ngoài ra, còn thực hiện nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, nhất là tại các địa bàn đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất. Trên địa bàn hiện có 16 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động.
Đến nay, có 24 trường mầm non ở vị trí liền kề và bên trong khuôn viên các khu chế xuất, khu công nghiệp đã được xây dựng và đưa vào hoạt động phục vụ việc giữ trẻ là con công nhân.
Đáng chú ý, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện khá tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường học và được phủ khắp 312 phường, xã trên địa bàn thành phố, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn, kể cả các đối tượng không có hộ khẩu thường trú tại thành phố. Hiện, thành phố không thực hiện việc sáp nhập trường mầm non vào trường phổ thông, hầu hết các trường mầm non được bảo đảm khuôn viên độc lập, mỗi xã, phường có ít nhất một trường mầm non công lập.
Bên cạnh những thuận lợi khi triển khai Nghị định 105/2020/NĐ-CP, nhiều địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch và đầu tư phát triển giáo dục mầm non.
Tại Lào Cai, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Dương Bích Nguyệt cho biết: Nguồn ngân sách hỗ trợ cho giáo dục mầm non, nhất là vùng khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu tăng nhanh về quy mô và nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Nguồn vốn xây dựng cơ bản chủ yếu là ngân sách địa phương cho nên rất khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học.
Đặc biệt, thiếu ngân sách hỗ trợ chi trả cho giáo viên dạy thay, làm việc vượt quá thời gian quy định do thiếu giáo viên theo định mức. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, do điều kiện phát triển kinh tế-xã hội ngày càng tăng và số dân tăng cơ học cao ảnh hưởng đến công tác dự báo, tạo áp lực về cơ sở hạ tầng tại một số quận, huyện đang trong quá trình đô thị hóa cao.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: Nghị định số 105/2020/NĐ-CP về chính sách phát triển giáo dục mầm non rất quan trọng, từ Nghị định này đã có nhiều chính sách góp phần phát triển giáo dục mầm non.
Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục mầm non để tham mưu và quy định theo thẩm quyền bổ sung những vấn đề mới, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non; tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; ban hành và tham mưu ban hành các văn bản tháo gỡ khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.
Lãnh đạo các địa phương cần chú trọng, thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, chính sách, các quy định về quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội; bảo đảm việc phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành. Tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý đối với các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là các cơ sở ngoài công lập.
Ngành giáo dục các địa phương cần tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và giáo viên mầm non và các chính sách hỗ trợ ở khu vực có khu công nghiệp theo quy định.
Cùng với đó, các địa phương cũng cần quan tâm quy hoạch quỹ đất xây dựng cơ sở giáo dục trong kế hoạch sử dụng đất của địa phương; có chính sách phù hợp đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; tăng cường quản lý và có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!