Cùng với chú trọng công tác giáo dục truyền thống lịch sử quê hương, đất nước cho học sinh, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Phù Yên đã tích cực đổi mới hình thức dạy và học môn Lịch sử thông qua phương pháp giáo dục trực quan, kết hợp với tổ chức các hoạt động ngoại khóa và tham quan tìm hiểu các di tích lịch sử trên địa bàn, giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ để môn học trở nên sống động, hấp dẫn với học sinh.
Học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Phù Yên tham quan Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù.
Phù Yên là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, với nhiều di tích lịch sử, như: Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù; khu cách mạng Mường Bang; di tích kháng chiến chống Pháp, đèo Lũng Lô, xã Mường Cơi... Cùng với nhiều dấu tích ghi dấu sự hình thành và phát triển theo dòng lịch sử của huyện, gồm: Di tích lịch sử Đình Chu, xã Quang Huy; các di chỉ khảo cổ tại bản Đá Mài, xã Nam Phong và bản Chượp, xã Tường Thượng...
Ngoài thực hiện quy định số tiết học lịch sử trên lớp đối với từng cấp học của ngành, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường học thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa dưới hình thức, như thi tìm hiểu về lịch sử quê hương, đất nước. Trong các tiết học môn Lịch sử trên lớp, các trường còn kết hợp chiếu phim tư liệu lịch sử để môn học thêm sinh động, hấp dẫn. Ngoài ra, các nhà trường còn phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện tổ chức các chuyến tham quan tại các di tích lịch sử trên địa bàn huyện, giúp học sinh tiếp thu kiến thức lịch sử và thêm yêu lịch sử dân tộc hơn.
Bà Lường Thị Thắm, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thông tin: Chúng tôi đã chỉ đạo các trường học tổ chức nhiều hoạt động tham quan, trải nghiệm lịch sử cho học sinh tại các di tích lịch sử trên địa bàn huyện. Qua đánh giá, khảo sát tại các trường học, đa số học sinh nhận thấy việc được tham gia các chuyến tham quan và hoạt động ngoại khóa dễ tiếp thu các kiến thức lịch sử hơn. Trong năm học 2022-2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và chỉ đạo các trường học đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, các chuyến tham quan di tích lịch sử cho học sinh; phát động cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ huyện trong toàn thể ngành giáo dục của huyện, giúp các em hiểu thêm những chặng đường lịch sử của quê hương và sự yêu thích môn học.
Các trường học tích cực đổi mới hình thức, phương pháp, tạo hứng thú cho học sinh đối với môn lịch sử, như tổ chức các cuộc thi trả lời câu hỏi về lịch sử giữa 2-3 đội thi trong nhà trường đã thu hút đông đảo học sinh tham gia, cùng với các thông tin cung cấp thêm sau mỗi câu hỏi đã giúp các em dễ dàng ghi nhớ các sự kiện, các địa danh lịch sử. Ngoài ra, các hoạt động trải nghiệm thực tế được lồng ghép trong các buổi ngoại khóa, mời các cựu chiến binh từng tham gia các cuộc kháng chiến cứu nước kể lại những ngày tháng oanh liệt, hào hùng của dân tộc, giúp các em hiểu hơn về truyền thống cách mạng, về tinh thần yêu nước của cha ông trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
Chia sẻ với chúng tôi, em Đặng Nhật Minh, học sinh Trường THCS thị trấn Phù Yên nói: Em rất vui khi được tham gia chuyến trải nghiệm tại Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Qua lời thuyết minh, em hiểu thêm về ý nghĩa của Khu rừng bản Nhọt trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng với đó, nhà trường còn tổ chức nhiều buổi ngoại khóa về lịch sử, giúp chúng em thích học môn Lịch sử hơn.
Thầy giáo Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Gia Phù, cho biết: Năm học 2021-2022, chúng tôi đã tổ chức 2 chuyến cho học sinh tham quan Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau mỗi chuyến tham quan, chúng tôi nhận thấy học sinh hào hứng hơn trong các tiết học môn Lịch sử. Ban Giám hiệu nhà trường đã yêu cầu giáo viên dạy môn Lịch sử tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp giảng dạy trên lớp với chiếu phim lịch sử và sáng tạo thêm nhiều phương pháp hiệu quả hơn.
Việc tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa, đổi mới hình thức dạy và học môn Lịch sử ở các trường học trên địa bàn huyện Phù Yên đã giúp các em học sinh thêm niềm yêu thích đối với môn lịch sử, am hiểu lịch sử dân tộc, về quá trình hình thành, phát triển của địa phương. Từ đó, thêm tự hào về truyền thống cách mạng và hun đúc thêm tình yêu quê hương, đất nước.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!