Tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số

Những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Châu quan tâm chỉ đạo các nhà trường triển khai nhiều giải pháp linh hoạt trong việc dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp học sinh mạnh dạn khi giao tiếp, học tập, nâng cao chất lượng giáo dục.

Giờ học tiếng Việt của cô và trò Trường tiểu học và THCS Phổng Lăng, huyện Thuận Châu.

Trên địa bàn huyện có 64 trường mầm non, tiểu học, tiểu học và THCS, với 150 điểm trường lẻ, học sinh dân tộc thiểu số chiếm 92,3%. Ông Nguyễn Đức Tôn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Châu, cho biết: Nâng cao kĩ năng sử dụng tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, Phòng đã tham mưu với UBND huyện ban hành kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020, định hướng năm 2025; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, hội thảo, tập huấn, thành lập đội cốt cán với 80 cán bộ, giáo viên triển khai các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học, TH-THCS huy động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí, sách vở, tài liệu, học liệu, đồ dùng, đồ chơi hỗ trợ việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số...

Quá trình triển khai, các trường chủ động gắn tăng cường tiếng Việt cho trẻ với các phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”... tạo môi trường tốt cho trẻ rèn luyện; giáo viên các nhóm lớp xây dựng “Góc tiếng Việt”, “Góc địa phương”, “Thư viện xanh”... tạo môi trường để trẻ em được khám phá, trải nghiệm và trau dồi vốn tiếng Việt; khuyến khích trẻ em giao tiếp, tương tác bằng tiếng Việt thông qua tổ chức các cuộc thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”, “Bé khỏe, bé ngoan”, giúp trẻ tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Việt; chủ động xây dựng môi trường giao tiếp, tổ chức giao lưu tiếng Việt cho học sinh ở mọi lúc, mọi nơi; trang trí trường, lớp đẹp, thân thiện, gần gũi với học sinh; khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng, phát huy chủ động, sáng tạo, tích cực nghiên cứu, áp dụng các phương pháp nâng cao chất lượng tăng cường tiếng Việt cho trẻ.

Hằng năm, trẻ em người dân tộc thiểu số được đánh giá đạt các mục tiêu cuối độ tuổi luôn chiếm tỉ lệ từ 95% trở lên; các kỹ năng nghe, hiểu, nói tiếng Việt của trẻ đạt 95-97% trở lên; 100% trẻ 5 tuổi được chuyển lên lớp 1 và được cấp tiểu học đánh giá trẻ có khả năng tiếng Việt tốt. Đa số học sinh thiểu số mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, học tập, góp phần nâng cao tỷ lệ chuyên cần và chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Trường tiểu học và THCS Phổng Lăng có 99,5% số học sinh là dân tộc Thái. Học sinh lớp 1 khi mới vào học, vốn tiếng Việt chưa nhiều, phát âm chưa chuẩn. Cô giáo Lê Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng, thông tin: Nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học, giao chỉ tiêu cho giáo viên, chỉ đạo giáo viên dạy ngoài giờ, phụ đạo cho các em còn yếu; vận dụng ti vi thông minh có nối mạng internet, dùng trực quan để giúp các em thêm nhận biết. Kết quả, hằng năm, 99,7% số học sinh nhà trường đạt các kỹ năng nghe, hiểu, nói tiếng Việt.

Có mặt tại giờ học tiếng Việt lớp 1A2, Trường tiểu học và THCS Phổng Lăng, cô giáo Lường Thị Hoa, chủ nhiệm lớp, chia sẻ: Ngay từ đầu năm học, tôi đã chủ động trò chuyện và trao đổi, hướng dẫn cha mẹ học sinh thường xuyên nói chuyện với trẻ bằng tiếng Việt ở gia đình, trang trí lại lớp học bằng nhiều tranh ảnh, khẩu hiệu; sưu tầm những bài hát thiếu nhi phát vào giờ nghỉ giải lao; phụ đạo thêm cho các em còn chậm. Đến nay, các em trong lớp đã nghe hiểu, giao tiếp cơ bản bằng tiếng Việt.

 Trường mầm non Long Hẹ có 5 điểm trường, 93% là trẻ dân tộc Mông, trẻ 3 tuổi khi vào học không biết nói tiếng Việt, cô và trò gặp khó khăn trong giao tiếp. Cô giáo Cầm Thị Thanh Hòa, Hiệu trưởng, chia sẻ: Nhà trường cử giáo viên dân tộc Mông đứng lớp, sử dụng song ngữ để luyện tiếng Việt cho trẻ và cử giáo viên khác học tiếng Mông để tăng giao tiếp với các em. Đồng thời, đề nghị phụ huynh ở nhà tăng cường nói tiếng Việt với trẻ; sử dụng đồ dùng dạy học, tổ chức các hoạt động vui chơi tạo không khí vui tươi, sôi nổi, kể chuyện dân gian, đọc thơ, ca dao; luyện phát âm ngọng cho trẻ. Nhờ vậy, bước đầu trẻ đã nhận biết, phát âm tương đối đúng theo bộ chữ cái tiếng Việt, trẻ tự tin hơn, tham gia tích cực vào các hoạt động học tập, vui chơi và có kỹ năng cơ bản trước khi vào lớp 1.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Châu đang tiếp tục chỉ đạo các trường khuyến khích thầy, cô giáo đề xuất sáng kiến, cách làm mới về tăng cường tiếng Việt cho học sinh; xây dựng không gian phòng học giàu chữ viết tiếng Việt; lồng ghép hoạt động vui chơi gắn với học tiếng Việt để học sinh thành thạo tiếng Việt, tự tin tham gia hoạt động chung của trường, lớp.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới