Với 96,4% học sinh là người dân tộc thiểu số, thời gian qua, ngành giáo dục huyện Sốp Cộp đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”.
Giờ tham quan ngoài trời tăng cường giao tiếp tiếng Việt cho trẻ tại Trường Mầm non Hoa Phong Lan, xã Mường Lạn.
Sốp Cộp hiện có 17 trường mầm non, tiểu học, tiểu học và trung học cơ sở thực hiện Đề án. Hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã xây dựng kế hoạch, đầu tư mua sắm thiết bị giáo dục, ưu tiên các điểm trường khó khăn; tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá khả năng tiếng Việt của trẻ mầm non và học sinh tiểu học định kỳ; tổ chức sinh hoạt chuyên đề, tập huấn, bồi dưỡng năng lực cho giáo viên tiểu học, mầm non về phương pháp, kỹ năng tổ chức hoạt động dạy học để tăng cường tiếng Việt. Đồng thời, gắn tăng cường tiếng Việt cho trẻ với các phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”... tạo môi trường tốt cho trẻ rèn luyện.
Tại các nhà trường, giáo viên các nhóm lớp xây dựng “Góc tiếng Việt”, “Góc địa phương”, “Thư viện xanh”, nhằm tạo môi trường để trẻ em được khám phá, trải nghiệm và trau dồi vốn tiếng Việt; khuyến khích trẻ em giao tiếp, tương tác bằng tiếng Việt theo các chủ đề “Tiếng Việt của chúng em”, tổ chức các cuộc thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”, “Bé khỏe, bé ngoan”, giúp cho trẻ em tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó, tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học về nuôi dạy con, về giáo dục mầm non cho phụ huynh hiểu rõ một số biện pháp tăng cường tiếng Việt, đặc biệt là đối với trẻ DTTS. Sau 5 năm thực hiện Đề án, đến nay, 95% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo được huy động ra lớp; 194/194 nhóm lớp bậc mầm non tổ chức hiệu quả việc lồng ghép tăng cường tiếng Việt cho trẻ trong mọi hoạt động; 100% trẻ mầm non và học sinh tiểu học được tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi; 100% giáo viên tiểu học, mầm non đều sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, thiết kế các bài giảng thu hút trẻ tham gia.
Đến thăm Trường mầm non Hoa Phong Lan, xã Mường Lạn, mặc dù diện tích chỉ hơn 200 m², nhưng nhà trường như một “thế giới” thu nhỏ, có đầy đủ vườn cây, vườn hoa, vườn cổ tích, chợ quê của bé, vườn hoa, ao cá...; trên tường vẽ các chữ cái giúp trẻ nhận biết chữ tiếng Việt, tăng cường giao tiếp tiếng Việt. Cô giáo Trần Thị Lan Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số”, nhà trường đã tổ chức dạy học theo các chuyên đề tăng cường tiếng Việt; tuyên truyền phổ biến kiến thức cho phụ huynh các biện pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ; vận động phụ huynh đưa trẻ ra lớp 2 buổi/ngày. Hằng năm, nhà trường có gần 90% trẻ nghe hiểu lời nói bằng tiếng Việt; 80% trẻ mạnh dạn, tự tin hơn, giao tiếp bằng tiếng Việt; 100% giáo viên nắm vững nội dung và biết vận dụng các phương pháp nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS.
Điểm trường bản Hua Lạnh, Trường Tiểu học và THCS Nậm Lạnh có 5 lớp học, với 127 học sinh đều là người dân tộc Mông được dạy học tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi. Cô giáo Quàng Thị Hái, phụ trách lớp 1 cho biết: Đa số các em học sinh ở đây khi bắt đầu vào làm quen với môi trường học tập mới còn rất nhút nhát, chưa nghe hiểu tiếng Việt. Vì thế, ngay từ đầu năm học, tôi đã chủ động trang trí lại lớp học bằng nhiều tranh ảnh, khẩu hiệu; sưu tầm những bài hát thiếu nhi phát vào giờ nghỉ giải lao; phụ đạo thêm các em còn chậm. Đến nay, các em trong lớp đã nghe hiểu, giao tiếp cơ bản bằng tiếng Việt.
Trao đổi với bà Tòng Thị Quyên, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện được biết, huyện Sốp Cộp có 134 điểm trường lẻ bậc tiểu học và mầm non, 100% là người DTTS. Tại các điểm lẻ cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhiều điểm chưa có điện lưới quốc gia; khả năng nói tiếng Việt của phần lớn phụ huynh chưa tốt, nên việc tuyên truyền cho phụ huynh phối hợp dạy cho trẻ gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Phòng đã phối hợp với các Đồn Biên phòng mở các lớp xóa mù chữ cho người lớn tại các bản khó khăn; chỉ đạo các nhà trường huy động nguồn xã hội hóa để trang bị thêm thiết bị dạy học, tài liệu, sách truyện ở thư viện trường học; tăng cường xây dựng môi trường tiếng Việt cho trẻ ở trường, ở lớp. Với sự nỗ lực của các thầy cô, phụ huynh và cả hệ thống chính trị, hằng năm gần 90% học sinh tiểu học và trẻ mầm non trên địa bàn huyện đã đạt đủ kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!