Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi trở lại thăm điểm Trường mầm non bản Nậm Khún, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ "đánh vật" với con đường rừng dài hơn 30 km và lội qua nhiều con suối lớn nhỏ, mới đến được bản.
Một góc bản Nậm Khún.
Nậm Khún gần như biệt lập với những bản khác bởi bao bọc xung quanh là những dãy núi cao chọc trời. Tuyến đường về bản quanh co, ngoằn ngoèo; đoạn thì vắt ngang lưng chừng núi, nhiều đoạn dốc cao như lên cổng trời, rồi lại đổ xuống thung sâu, khiến việc đi lại rất khó khăn và luôn tiềm ẩn những nguy hiểm. Bản có 23 hộ, 113 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông.
Đường lên Nậm Khún.
Điểm Trường mầm non Nậm Khún nằm chênh vênh trên sườn núi.
Đến điểm trường mầm non, tiếng trẻ ê a học bài vang cả một góc rừng. Lớp học nằm chênh vênh lưng chừng núi. Do độ dốc cao, khó tạo mặt bằng nên sân chơi của các cháu cũng chật chội. Năm nay, cô giáo Lò Thị Tấm, nhà ở xã Mường Lèo, xung phong lên đây dạy học. Cô bảo: Điểm trường này có 19 cháu ở các độ tuổi từ 2-5 tuổi. Mấy hôm trước mưa to lắm, đường không còn dễ đi, nên hôm nay chỉ có 9 cháu đến lớp. Các cháu 2 tuổi thường được bố mẹ cho lên nương cùng, còn một số cháu 4-5 tuổi, cho ở nhà.
Sở dĩ vẫn còn một số người dân cho con trẻ ở nhà là bởi khu vực này có 2 nhóm hộ nằm cách xa nhau, nhiều hộ ở không tập trung, xa trung tâm 5-7 cây số nên họ ngại đưa con đến trường. Hơn nữa, một số phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con trẻ, họ quan niệm, trẻ em khi lớn cũng chỉ vào rừng làm nương. Mặc dù nhà trường và ban quản lý bản đã tuyên truyền, nhưng tình trạng này vẫn còn kéo dài nhiều năm nay.
Giờ lên lớp của cô giáo Lò Thị Tấm.
Cô Tấm tâm sự: Các cháu không được đến lớp tôi thấy xót xa lắm. Nhiều lúc tôi rất muốn đến từng nhà để đón các cháu ở xa đến lớp nhưng điểm trường chỉ có mình tôi, lại vướng con nhỏ theo mẹ nữa nên không có ai trông lớp. Trước đây, điểm trường này được bố trí một thầy giáo mầm non thì việc đón trẻ được thường xuyên hơn, nhưng bây giờ mọi việc khó khăn hơn nhiều.
Quả thật, điểm trường này có nhiều khó khăn hơn so với trước đây. Mặc dù tuyến đường này đã được Đoàn 326 (Quân khu 2) mở từ năm 2016, nhưng do địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, sau những trận mưa lớn là mặt đường biến thành vùng sình lầy, trơn trượt, có chỗ bị dòng nước tàn phá khiến sạt lở chỉ còn vừa cho một xe máy đi qua, nếu không vững tay lái có thể khiến cả xe và người rơi xuống vực. Khó nhất là đường đến bản, nội bản và liên bản đã bị sạt sụt nhiều, nơi đây không có sóng điện thoại, không có nước hợp vệ sinh. Mặc dù hồi đầu năm nay, điện lưới đã được kéo về bản, nhưng điểm trường vẫn chưa được dùng điện. Năm học mới bắt đầu được 3 tuần, chồng cô giáo Tấm phải bỏ ra gần 2 triệu đồng mua bóng điện, dây điện kéo từ nhà dân cách đó gần 300m lên thắp sáng phòng công vụ.
Sân tập thể dục của cô trò điểm Trường mầm non Nậm Khún.
Mới vào nghề được hơn 2 năm, nhưng cô giáo Lò Thị Tấm đã tham gia dạy ở 3 điểm trường khó khăn. Cô chia sẻ: Đây là điểm khó khăn nhất trong những điểm tôi từng dạy. Cứ thứ 2 hằng tuần, tôi phải dậy sớm để đến trường, thứ 4 quay về trường để tham gia các hoạt động của trường, rồi lại quay lên lớp vào sáng thứ 5 và nếu trời không mưa thì cuối tuần về chăm sóc gia đình. Hôm lên nhận lớp này, một mình tôi đánh vật với chiếc xe máy và con đường, vì mấy hôm trước đó trời mưa to nên đường trơn lắm, nhiều đoạn chỉ vừa bánh xe máy. Bị ngã trên con đường này là chuyện thường xuyên...
Cái khó nữa của giáo viên là việc sinh hoạt cá nhân, vì nhà xa, đường khó nên họ phải mang gạo, thức ăn ở nhà lên cho cả tuần. Thực phẩm chủ yếu là mỳ tôm, cá khô và một số thức ăn khô khác. Thịt lợn, gà, cá thì bà con không muốn giáo viên mang lên vì họ sợ dịch bệnh. Nước sinh hoạt thì phải tự xuống khe suối cách đó hơn 100 mét xách về dùng.
Khó khăn chồng khó khăn. Việc dạy trẻ vùng cao để đạt chuẩn cũng là thử thách không nhỏ. Việc rèn trẻ vào khuôn khổ rất vất vả bởi bản thân cô giáo chưa biết tiếng Mông, nhiều lúc cô phải nhờ phụ huynh giúp nhưng cũng không thể thường xuyên được, việc dạy trẻ phần lớn là cô giáo phải dùng ký hiệu. Trong khi đó, đồ dùng học tập thiếu thốn, chưa có đồ chơi ngoài trời nên muốn hướng trẻ theo ý mình đòi hỏi cô giáo phải kiên trì hơn nữa. Địa hình cách trở nên việc vận chuyển các vật dụng thiết yếu để dạy học bị hạn chế rất nhiều. Đầu năm học này, cô giáo Tấm đã phải bỏ tiền cá nhân để mua đồ chơi cho các cháu.
Cô giáo Tấm bày tỏ: Bất cứ giáo viên nào, nhất là giáo viên vùng cao như tôi, đều mong muốn các cháu đến lớp đầy đủ để được học chữ, để cho bản làng sau này được ấm no, phát triển hơn. Mùa đông đến rồi, trẻ ở đây đang thiếu quần áo ấm, giầy dép; bàn ghế học tập cũng xuống cấp, thiếu thốn đủ thứ... Mong rằng các nhà hảo tâm quan tâm đến trẻ vùng cao nơi đây.
Trưởng bản Thào A Chênh thông tin: Bản được thành lập từ năm 2014. Các hộ trong bản thuộc diện nghèo. Vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 10, khu vực này thường có mưa lớn, nên đã gây khó khăn trong việc học của trẻ. Cũng vì còn nhiều khó khăn nên toàn bộ trẻ độ tuổi tiểu học đã được chuyển về trung tâm xã học bán trú. Chúng tôi rất mong bản sớm có đường thuận tiện, kiên cố hơn để cô giáo và con trẻ đỡ vất vả. Trước mắt, ban quản lý bản sẽ tiếp tục cùng cô giáo vận động trẻ đến lớp đầy đủ.
Khó khăn là vậy, nhưng vì sự nghiệp “trồng người”, cô giáo Lò Thị Tấm vẫn đang nỗ lực vượt khó để “cõng” những con chữ lên non bằng cả tình yêu thương, tâm huyết với nghề và cả khát vọng ươm nên những mầm xanh trên vùng đất khó.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!