Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục ở các cấp học; huy động các cấp, ngành vào cuộc, tuyên truyền, vận động học sinh, học viên ra lớp; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học... Từ kết quả đó, tỉnh Sơn La đủ điều kiện đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, xóa mù chữ mức độ 2 và là nền tảng quan trọng tạo đà để ngành giáo dục và đào tạo vươn lên vững chắc hơn.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các lĩnh vực giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tỉnh về công tác phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ, hằng năm, Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn được kiện toàn, hoạt động hiệu quả. Các cấp, các ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh, học viên ra lớp, quan tâm giúp đỡ về kinh tế, động viên về tinh thần, phối hợp quản lý, duy trì sĩ số học sinh, học viên ra lớp, tham gia dạy trực tiếp các lớp xóa mù chữ.
Ngành GD-ĐT đã đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục và đảm bảo an toàn cho học sinh; triển khai thực hiện việc dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Thực hiện tốt các cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn"; phong trào “Tình nguyện dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu kém", “Tất cả vì học sinh thân yêu"; “Cán bộ, nhà giáo, đoàn viên công đoàn ngành giáo dục chung tay giúp đỡ học sinh khó khăn, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”; triển khai hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Qua đánh giá, đến tháng 11/2021, tỉnh Sơn La có huyện Vân Hồ và Bắc Yên đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2; 10/12 huyện, thành phố còn lại đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; tỉnh duy trì kết quả đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2; trên 99,9% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; hơn 94,1% trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học. 100% giáo viên tiểu học đạt chuẩn trình độ đào tạo; trong đó, hơn 93% giáo viên đạt trên chuẩn. Toàn tỉnh có 6.415 phòng học, trong đó, trên 95,3% phòng học kiên cố và bán kiên cố, có 991 sân chơi, 529 bãi tập thể thao với diện tích phù hợp, được sử dụng thường xuyên, an toàn, môi trường luôn xanh, sạch, đẹp.
Đối với phổ cập giáo dục THCS, đến tháng 8/2022, toàn tỉnh có 12/12 huyện, thành phố đạt chuẩn mức độ 2; Sơn La đủ điều kiện đề nghị công nhận đạt chuẩn mức độ 2. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; tỷ lệ học sinh từ 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS đạt 90,7%; tỷ lệ giáo viên THCS đạt chuẩn trình độ đào tạo đạt 100%, trong đó hơn 83% đạt trên chuẩn. Các phòng học mới bậc THCS xây dựng theo tiêu chuẩn quy định, an toàn; đủ bàn ghế phù hợp với học sinh; các lớp học đủ ánh sáng, ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè; có điều kiện tối thiểu dành cho học sinh khuyết tật học tập thuận lợi...
Đến nay, đã có các huyện, thành phố đạt tiêu chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; tỉnh đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; tỷ lệ người 15-25 tuổi biết chữ mức độ 2 đạt 97,8%; tỷ lệ người từ 15-35 tuổi biết chữ mức độ 2 đạt gần 97%; tỷ lệ người từ 15-60 tuổi biết chữ mức độ 2 đạt gần 95%. Các đơn vị cấp xã, huyện đều đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác xóa mù chữ; các lớp xóa mù chữ được sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục phổ thông, các trung tâm học tập cộng đồng để thực hiện dạy học xóa mù chữ.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh là điểm sáng trong tham gia PCGD, xóa mù chữ; đã có 76 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đỡ đầu từ Chương trình “Nâng bước em tới trường và con nuôi đồn biên phòng” với mức hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng. Từ năm 2021 đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã vận động nguồn tài trợ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và huy động cán bộ, chiến sĩ đóng góp ngày công xây dựng 9 phòng học, nhà công vụ, điểm vui chơi cho học sinh và giáo viên ở khu vực biên giới 2 huyện Sông Mã và Sốp Cộp, với tổng trị giá trên 2,4 tỷ đồng.
Đại tá Vũ Đức Tú, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cho biết: Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng chủ động phối hợp với phòng GD-ĐT các huyện biên giới duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ, sau xóa mù. Trong đó, các Chi hội Khuyến học Đồn Biên phòng Mường Lạn, Mường Lèo, Nậm Lạnh phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện Sốp Cộp tổ chức 31 lớp xóa mù chữ cho 652 người dân các bản biên giới.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, cho biết: Với mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng PCGD, xóa mù chữ ở 204/204 xã, phường, thị trấn; nâng tỷ lệ các xã, phường đạt chuẩn PCGD tiểu học, THCS mức độ 3, ngành GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh phối hợp liên ngành và với cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố thực hiện xã hội hoá giáo dục nâng cao chất lượng PCGD, xóa mù chữ. Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn trên chuẩn. Tiếp tục có các giải pháp nâng cao chất lượng dạy, học và giáo dục theo mục tiêu của từng cấp học và chương trình đổi mới giáo dục phổ thông...
Với sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác PCGD và xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh có những bước tiến vững chắc. Mạng lưới, cơ sở vật chất trường lớp học từng bước được đầu tư đồng bộ; mức độ PCGD ở các cấp học tiếp tục được duy trì và nâng cao; phong trào học tập suốt đời trong các gia đình, dòng họ, đơn vị, cộng đồng phát triển rộng khắp, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!