Phương pháp giáo dục thế hệ trẻ bằng trải nghiệm thực tế

Những hoạt động giáo dục trải nghiệm luôn đem lại hiệu quả cao, bởi khả năng khơi gợi và phát huy tinh thần tự giác học hỏi của học sinh. Đối với công tác giáo dục đạo đức cũng vậy, từ những hoạt động ngoại khóa chuyên đề, những bài giảng mang tính thực tế sẽ giúp học sinh ghi nhớ và hiểu bản chất vấn đề sâu sắc hơn. Đó là những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn trong quá trình áp dụng những đổi mới về phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ tại các nhà trường ở huyện Mộc Châu thời gian qua.

                                     

Các em học sinh thị trấn Mộc Châu tham gia dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ của huyện.

             

Phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tại các trường được thực hiện một cách đồng bộ, gắn lý thuyết với thực tiễn, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức trong các bài giảng, tiết học liên quan, sinh hoạt dưới cờ. Đầu tiên phải kể đến môn học về lịch sử địa phương đã và đang được các trường học tại Mộc Châu triển khai giảng dạy hiệu quả, tạo nên những hiệu ứng tích cực đối với nhận thức của học sinh. Tài liệu của môn học được Ban Tuyên giáo huyện ủy chủ trì soạn thảo để các trường xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với chương trình năm học, trình độ và điều kiện của học sinh ở từng cấp học, giúp các em hiểu thêm về truyền thống, lịch sử địa phương, từ đó vun đắp tình yêu quê hương, đất nước. Song song với giảng dạy lịch sử địa phương, các nhà trường còn tổ chức cho học sinh tham quan và đăng ký chăm sóc các di tích lịch sử trên địa bàn. Điển hình như Trường Tiểu học và THCS Tây Tiến nhận chăm sóc Khu di tích lịch sử Đồn Mộc Lỵ; Trường THCS 8-4 đăng ký chăm sóc Di tích lịch sử Bác Hồ về thăm và nói chuyện với công nhân nông trường Mộc Châu... Đây vừa là hoạt động thiết thực để các em được trải nghiệm thực tế, khắc sâu bài học, vừa để các em được thể hiện tinh thần, trách nhiệm của thế hệ trẻ, biết trân trọng lịch sử và truyền thống cách mạng của quê hương.

             

Các hoạt động ngoại khóa chuyên đề cũng là hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh hiệu quả. 100% các trường học tại Mộc Châu tổ chức ít nhất 2 buổi ngoại khóa/năm học. Các chương trình ngoại khóa thường không lặp lại chủ đề, hình thức tổ chức cũng đa dạng, phong phú, như: Biểu diễn theo hình thức sân khấu hóa, thi tìm hiểu kiến thức, vẽ tranh, thi kể chuyện Bác Hồ, và những hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, bạo lực học đường, an toàn giao thông hay những hoạt động trải nghiệm trực tiếp về giáo dục đạo đức... Điển hình như Trường THCS Mộc Lỵ, mỗi năm tổ chức khoảng 6 buổi ngoại khóa theo chủ đề với quy mô toàn trường. Cô giáo Vũ Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng, chia sẻ: Cách làm của nhà trường là giao mỗi lớp xây dựng một kế hoạch trải nghiệm mang tính thực tế, lập nhóm học sinh thăm hỏi, giúp đỡ trẻ mồ côi, người già neo đơn; bán hàng hoặc nuôi lợn đất tiết kiệm để quyên góp giúp bạn có hoàn cảnh khó khăn, thu gom rác thải... Các em học sinh tự mình trải nghiệm để hiểu thế nào là yêu thương, đoàn kết hay phải làm sao để bảo vệ môi trường, từ đó hình thành đạo đức, lối sống tốt.

             

Ngoài ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Châu còn chỉ đạo triển khai những biện pháp mạnh trong giáo dục lối sống cho học sinh. Yêu cầu các đơn vị trường học phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, công an huyện kiểm tra chặt chẽ tình hình hoạt động tại các cửa hàng cung cấp dịch vụ internet, qua đó kịp thời phát hiện những trường hợp học sinh trốn học đi chơi game và có biện pháp xử lý và đề nghị các cơ sở kinh doanh dịch vụ internet cam kết cung cấp dịch vụ lành mạnh. Đồng thời, tăng cường các hoạt động phòng, chống ma túy học đường, bạo lực học đường; phân loại học sinh để theo dõi, đánh giá và tìm phương pháp giáo dục phù hợp.

             

Những phương pháp mang tính cải tiến, đổi mới, coi trọng thực tiễn đã và đang mang lại hiệu quả giáo dục thực chất. Những hoạt động này giúp cho mỗi ngày đến trường đối với các em học sinh là một niềm vui và trải nghiệm mới, thú vị, ý nghĩa. Qua đó hình thành ở các em học sinh đạo đức, lý tưởng cách mạng, lối sống văn hóa, là cơ sở để xây dựng nguồn nhân lực trẻ có đủ năng lực, phẩm chất tốt cho địa phương trong tương lai. 

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới