Hiện nay, trên 500 trường học, hơn 371.000 học sinh trên địa bàn tỉnh đã đi học được 1 tuần. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện Phù Yên vẫn còn 9 xã đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 18 xã giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Với phương châm “Dừng đến trường, nhưng không dừng học”, ngành giáo dục huyện Phù Yên đã triển khai nhiều phương án thực hiện.
Bà Lường Thị Thắm, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Yên cho biết: Phòng đã bám sát sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT về công tác chuyên môn và căn cứ văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện để xây dựng phương án dạy học, như: Học qua truyền hình, học trực tuyến và giao bài về nhà. Yêu cầu các trường học rà soát, đăng ký các phương án, hình thức đảm bảo phòng, chống dịch phù hợp với điểu kiện thực tế nhà trường. Trong đó, các trường: THPT Phù Yên, Gia Phù; THCS Võ Thị Sáu, thị trấn Phù Yên; tiểu học Thị trấn; tiểu học và THCS Huy Tân, Huy Hạ và Trường TTGDTX huyện đã triển khai dạy học theo hình thức trực tuyến; còn lại các trường học đều thực hiện giao bài cho học sinh. Sau khi học sinh đi học trở lại, Phòng cũng chỉ đạo các trường học khảo sát năng lực từng em và có biện pháp phụ đạo, hỗ trợ cho những học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng để đảm bảo chất lượng theo chuẩn kiến thức và kỹ năng của chương trình.
Học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu, thị trấn Phù Yên học trực tuyến.
Để đảm bảo chất lượng dạy học trực tuyến, các trường chỉ đạo giáo viên lựa chọn những kiến thức cơ bản để truyền tải đến các em, các môn phụ có thể bù đắp kiến thức sau. Cô giáo Đặng Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu, thị trấn Phù Yên cho biết: Ngay sau khai giảng, Trường bắt đầu tổ chức dạy học trực tuyến; tỷ lệ học sinh tham gia học đạt 100%. Do việc dạy học gồm cả phần ôn tập kiến thức đã học và kiến thức mới, nhà trường đã thông báo cụ thể thời gian dạy học trực tuyến đến phụ huynh qua các nhóm zalo, tin nhắn vnEdu… để chuẩn bị thiết bị cho con học tập ở nhà. Khi học sinh kết nối vào phòng học online, giáo viên có trách nhiệm kiểm tra sĩ số lớp học và thông báo những học sinh vắng buổi học tới gia đình để buổi sau tham gia đầy đủ hơn.
Cô giáo Phạm Thị Hà, giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu, thị trấn Phù Yên thông tin: Việc dạy học trực tuyến đòi hỏi giáo viên phải vận dụng nhiều kỹ năng hơn, bởi việc giao lưu giữa cô và trò diễn ra qua phần mềm ứng dụng chứ không phải tiếp xúc trực tiếp như trên lớp. Các em khó tập trung và không theo kịp bài học. Tôi phải liên hệ với phụ huynh để tăng cường giám sát con em, tạo điều kiện cho các em học tập với cô giáo và các bạn.
Giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu, thị trấn Phù Yên dạy học trực tuyến cho học sinh.
Dạy học trực tuyến tuy không mới, nhưng trong quá trình thực hiện các trường học trên địa bàn huyện Phù Yên cũng gặp không ít khó khăn do tình trạng nghẽn mạng xảy ra phổ biến ở nhiều gia đình, học sinh, giáo viên trên địa bàn toàn huyện. Trung tâm Viễn thông Phù Yên và Trung tâm Viettel đã tìm hiểu nguyên nhân do lượng người truy cập trong cùng một thời điểm tăng đột biến, máy chủ cung cấp phầm mềm dạy và học quá tải, chất lượng dịch vụ tại một số xã chưa đảm bảo, gói cước giá thành thấp, thiết bị đặt xa nơi tín hiệu mạng, nhiều học sinh dùng nhờ mạng, hoặc mạng 3G. Ông Lường Văn Thuật, Trung tâm Viễn thông Phù Yên nói: Khắc phục tình trạng trên, đơn vị đang cử nhân viên kỹ thuật đến các cơ quan, hộ gia đình xử lý, đảm bảo chất lượng dịch vụ và phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý, đảm bảo đường truyền được thông suốt, phục vụ tốt việc học tập của học sinh.
Qua thống kê, toàn huyện Phù Yên có 818 trường hợp F0, F1, F2 liên quan đến Covid-19 là giáo viên, học sinh đang phải cách ly theo quy định. Ngoài ra, tại địa bàn huyện còn có 196 bản là nơi ở của học sinh không có mạng Internet; 2.770 học sinh có ti vi nhưng không bắt được kênh truyền hình Sơn La STV. Do vậy, việc triển khai học trực tuyến đang khó khăn, dù huyện và các đơn vị trường học cũng đang nỗ lực triển khai thực hiện.
Cô giáo Hoàng Thị Thư, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Huy Thượng, chia sẻ: Huy Thượng đang là tâm dịch, huyện cũng đang tổ chức tiêm vắc-xin cho nhân dân trong xã. Do vậy, số học sinh trong xã đều nằm trong diện phải cách ly theo quy định. Việc triển khai dạy và học trực tuyến sẽ gặp khó khăn. Ở bậc học THCS chỉ có 84/232 học sinh có thể sử dụng Zalo để giáo viên giao bài tập, trao đổi thông tin. Nhà trường đang tiếp tục phối hợp với phụ huynh học sinh động viên, quản lý các em an toàn trước dịch Covid-19; khi tình hình dịch bệnh ổn định, nhà trường đã xây dựng phương án tổ chức dạy, ôn tập bù cả sáng, chiều cho các em.
Thực tế, dạy học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế, đối với những học sinh ở các xã khó khăn; đa số các trường đều nằm ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, chỉ một số trường ở vùng trung tâm có thể đáp ứng cơ sở vật chất cho việc học trực tuyến. Anh Cầm Văn Tứ, bản Lằn, xã Mường Do, nói: Mặc dù xã đang áp dụng Chỉ thị 15, nhưng việc đi lại rất hạn chế. Gia đình tôi có một cháu học lớp 8, một cháu học lớp 1, nhà cũng chỉ có ti ti, không có máy tính và mạng Internet, nên không có điều kiện cho các con học được trực tuyến.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, sau ngày 16/9, huyện Phù Yên hết giãn cách theo Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ và dịch bệnh được khống chế thì 9 xã vùng đỏ sẽ tiếp tục cho học sinh học trực tuyến; còn 18 xã vùng vàng sẽ tổ chức phun khử khuẩn tất cả các đơn vị trường học, đến ngày 22/9 cho học sinh tới trường và ngày 24 sẽ tổ chức học; riêng bậc mầm non chưa cho các bé đến trường.
Linh hoạt để thích ứng với bối cảnh vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm kế hoạch giáo dục năm học 2021-2022, ngành Giáo dục huyện Phù Yên đang nỗ lực để cụ thể hóa mục tiêu “Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ, quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; hoàn thành tốt kế hoạch và nhiệm vụ năm học”.
Nguyễn Thư - Bình Minh
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!