Những năm qua, cùng với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, sự quyết tâm của ngành Giáo dục - Đào tạo và sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn huyện Phù Yên về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, đã góp phần tích cực trong việc từng bước chuẩn hóa các điều kiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện.
Học sinh Trường Tiểu học &THCS Tường Phù đọc sách, báo tại “Thư viện xanh” của trường.
Theo bà Lường Thị Thắm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia cần đủ 5 tiêu chuẩn, đó là: Tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; cơ sở vật chất và thiết bị; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục.
Để xây dựng trường đạt chuẩn, ngay từ đầu các năm học, Phòng GD và ĐT huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn, các trường tự kiểm tra đối chiếu với các tiêu chuẩn theo quy định, từ đó đề ra lộ trình để thực hiện. Mặt khác, tham mưu với UBND huyện việc huy động nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện và các nguồn vốn lồng ghép từ chương trình, dự án (mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học; Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững...) để ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng phòng học, các công trình phụ. Quan tâm sắp xếp, củng cố, kiện toàn đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện. Đồng thời, thực hiện tốt phương châm “Giáo dục là sự nghiệp toàn dân”; huy động các nguồn lực xã hội tham gia hoạt động giáo dục trên tất cả các mặt: Văn hóa, đạo đức cho học sinh; quản lý giáo dục; đầu tư cơ sở vật chất…
Tháng 11/2020, Trường tiểu học & THCS Tường Phù vui mừng đón Bằng công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Thầy Hà Ngọc Linh, Hiệu trưởng nhà trường, phấn khởi: Hiện, cơ sở vật chất của nhà trường đã được đầu tư xây dựng khang trang, với 28 phòng học kiên cố, đáp ứng yêu cầu dạy - học của thầy và trò. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, nhà trường đã khuyến khích giáo viên và học sinh khai thác tối đa các thiết bị dạy học, phòng học bộ môn và chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Nhà trường hiện có 49 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó, 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Các năm học, 100% học sinh cấp tiểu học xếp loại đạt trở lên về phẩm chất, năng lực; bậc THCS, trên 40% số học sinh xếp loại học lực khá, giỏi; hơn 98% học sinh tốt nghiệp...
Hiện, toàn huyện Phù Yên có 28/67 trường học đạt chuẩn Quốc gia (13 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 4 trường THCS, 5 trường TH-THCS, 2 trường THPT). Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các nhà trường từng bước được đầu tư hoàn thiện, với 63,1% phòng học kiên cố, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Cảnh quan môi trường sư phạm ở các trường học được cải thiện đáng kể. Nhiều trường có khuôn viên, hàng rào, sân trường rộng rãi, có cây xanh bóng mát, công trình nước sạch, môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các cấp học được tăng cường, trình độ chuyên môn cơ bản hoàn thiện, với trên 85% giáo viên mầm non, 69% giáo viên tiểu học và 73% giáo viên THCS đạt chuẩn, trên chuẩn. Công tác quản lý điều hành hoạt động chuyên môn tại các trường học được thực hiện nghiêm túc; bảo đảm các quy định về quy chế chuyên môn và quản lý ngành, nền nếp kỷ cương trường học...
Tuy nhiên, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn một số khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học cũng như nguồn nhân lực. Đó là, toàn huyện còn 62 phòng học tạm và 36 phòng học nhờ; mạng lưới trường lớp phân tán, nhiều điểm lẻ; việc huy động học sinh bỏ học trở lại trường chưa đạt kết quả cao; chất lượng chăm sóc trẻ ở các điểm lẻ còn hạn chế...
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có thêm 14 trường đạt chuẩn Quốc gia, huyện Phù Yên tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp; tạo quỹ đất đáp ứng yêu cầu tối thiểu về diện tích cho mỗi cơ sở giáo dục phù hợp với mức độ biến động dân số và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường phân bổ, huy động, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng mới và sửa chữa hệ thống cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Đồng thời, xây dựng đội ngũ giáo viên và nhân viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu bộ môn, đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!