Phù Yên chăm lo cho học sinh bán trú

Hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng; nâng cao chất lượng giáo dục... là những kết quả tích cực khi triển khai công tác nấu ăn bán trú trên địa bàn huyện Phù Yên.

 

Học sinh Trường TH&THCS Mường Thải (Phù Yên) tham gia trồng rau xanh cải thiện bữa ăn.

 

Năm học 2020-2021, Trường TH&THCS Mường Bang có 914 học sinh trong đó, có 373 học sinh bán trú. Thầy giáo Nguyễn Thái Thụy, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: Năm 2012-2013, nhà trường bắt đầu tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh. Nhà trường đã phân công giáo viên quản lý học sinh bán trú; tiếp nhận gạo, một số vật dụng phục vụ công tác nấu ăn bán trú theo đúng quy định. Từ thực tế, việc tổ chức nấu ăn bán trú, đã không chỉ duy trì ổn định sỹ số mà chất lượng dạy và học của nhà trường có nhiều kết quả tích cực. Điển hình như năm học 2019-2020, có trên 90% giáo viên đạt giờ dạy khá, giỏi; 92% học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt; hơn 30% học sinh đạt học lực khá, giỏi...

Tại khu vực ăn bán trú Trường TH&THCS Mường Bang, chúng tôi trò chuyện với em Đặng Thị Duyên, bản Suối Gà, học sinh lớp 5A, được biết, nhà Duyên cách trường gần 10km, năm nay là năm thứ 4, em được ở bán trú. Ở đây, em có nhiều thời gian học tập. Nhờ đó, 3 năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Duyên bảo, em sẽ cố gắng học thật chăm chỉ để sau này trở thành cô giáo.

Được biết, năm học 2020-2021, huyện Phù Yên có 63 trường học thuộc các bậc học với 29.667 học sinh. Trong đó, có 34 trường tổ chức nấu ăn bán trú với hơn 7.000 học sinh. Thực hiện nấu ăn bán trú, ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường tổ chức rà soát cơ sở vật chất phục vụ công tác bán trú; triển khai thực hiện các chế độ chính sách đối với công tác nấu ăn bán trú theo đúng quy định. Đồng thời, lồng ghép các chương trình, dự án và tiếp nhận xã hội hóa xây dựng nhà ở, bếp ăn trú bán cho học sinh. Đến nay, toàn huyện có 147 phòng ở bán trú, 85 nhà bếp. Còn tại các trường học cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch quản lý học sinh bán trú; phân công nhiệm vụ cho cán bộ, giáo viên trực tiếp theo dõi, quản lý học sinh bán trú; công khai, minh bạch về tài chính; thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng, đảm bảo tốt về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, một số trường còn tổ chức cho học sinh bán trú tham gia lao động sản xuất, cải thiện bữa ăn, qua đó, rèn luyện kỹ năng lao động, kỹ năng sống...

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, khẳng định: Việc tổ chức nấu ăn bán trú là một chủ trương đúng, trúng, đáp ứng nguyện vọng của các bậc phụ huynh và học sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ thực tế, công tác nấu ăn bán trú đã tạo điều kiện cho các em học sinh ở vùng khó khăn gắn bó với trường lớp, phụ huynh yên tâm hơn khi cho con đi học xa. Đặc biệt, chất lượng giáo dục toàn diện của các đơn vị nhà trường nâng lên rõ rệt. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác nấu ăn bán trú trên địa bàn cũng đang gặp một số khó khăn như chỗ ăn, chỗ nghỉ, nhà bếp, nhà ăn, nhà tắm, khu vệ sinh... cho học sinh ở một số trường còn thiếu, ảnh hưởng đến việc tổ chức công tác bán trú. Nhiều trường có số lượng học sinh lớn, như: ở xã Kim Bon, Suối Bau, Suối Tọ... không đảm bảo đủ chỗ ngủ, học sinh phải thuê nhà dân để ở, gây khó khăn trong việc quản lý. Thời gian tới, Phòng tiếp tục tăng cường công tác quản lý, thực hiện tốt việc dạy và học; nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh; tăng cường kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự trong nhà trường. Cùng với đó, rất mong các cấp, các ngành quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ tốt nhất công tác bán trú cho học sinh trên địa bàn.

Sự nỗ lực, quan tâm triển khai công tác nấu ăn bán trú ở Phù Yên đã tạo điều kiện cho các em học sinh vùng khó khăn được tiếp tục đến trường, tỉ lệ chuyên cần của học sinh được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới