Phát triển kinh tế HTX theo hướng bền vững gắn với xây dựng NTM

Để đưa ra các căn cứ khoa học, từ đó đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm phát triển HTX hoạt động hiệu quả và bền vững gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, năm 2019, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học “Phát triển kinh tế HTX theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới: Kinh nghiệm một số địa phương trong nước và giải pháp cho tỉnh Sơn La”. Đến nay, đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu đề ra và được Hội đồng nghiệm thu khoa học công nghệ tỉnh đánh giá cao.

 

Thành viên HTX Chanh leo Thuận Châu thu hoạch chanh leo.

 

Sau hơn một năm triển khai nghiên cứu, đánh giá về quá trình phát triển kinh tế HTX theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới ở Sơn La, nhóm thực hiện đề tài đã đưa ra nhận định, từ năm 2016 đến nay, những chính sách của Nhà nước và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, kinh tế tập thể, HTX phát triển trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, khẳng định được vai trò, vị trí trong nền kinh tế nhiều thành phần hiện nay.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 661 HTX, 258 tổ HTX, với tổng số 31.499 thành viên, hoạt động trên các lĩnh vực, gồm: Nông, lâm, thủy sản; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, tín dụng, thương mại, dịch vụ du lịch, quản lý chợ, vận tải. Năng lực sản xuất kinh doanh của các HTX, liên hiệp HTX đang từng bước được quan tâm đầu tư về chất lượng, quy mô, chất lượng sản phẩm; tổng số vốn hoạt động của các HTX đạt 3.312 tỷ, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX năm 2019 là 3 triệu đồng/tháng (tăng 87,5% so với năm 2014). Trong 144 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn của toàn tỉnh, có 123 chuỗi của các HTX, gồm: 16 chuỗi rau an toàn, 82 chuỗi cung ứng quả an toàn, 6 chuỗi chè và cà phê, 2 chuỗi cung ứng thịt gà, 14 chuỗi thủy sản, 3 chuỗi mật ong. Có thể khẳng định, những đóng góp của các HTX có vai trò quan trọng trong việc góp phần đưa 41 xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 18 xã so mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra, đời sống của người dân khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, qua nghiên cứu quá trình phát triển kinh tế tập thể, HTX tại Sơn La vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Công tác tổ chức, quản lý điều hành các HTX chưa bắt kịp những thay đổi của thị trường; thiếu vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như năng lực tiếp cận thị trường còn yếu; hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế sẵn có; thiếu chủ động liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Bám sát đề tài đăng ký, nhóm thực hiện đề tài còn nghiên cứu quá trình triển khai thực hiện phát triển mô hình HTX bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Giang, đây là những địa phương có nhiều điểm tương đồng với tỉnh Sơn La, tại đây có nhiều mô hình kinh tế tập thể, HTX hoạt động hiệu quả. Trên cơ sở các nghiên cứu thực tiễn từ các địa phương, nhóm đề tài đã đề xuất có chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị; tăng cường tính tự chủ của HTX trong các hoạt động, xây dựng các cơ chế khuyến khích hợp tác xã tạo dựng mạng lưới các thành viên liên kết trong vùng tham gia vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, xây dựng cơ chế phù hợp trong thu hút cán bộ trẻ có trình độ về làm việc tại HTX... Đồng thời, đề xuất 5 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp HTX phát triển, gồm: Hỗ trợ tháo gỡ những rào cản trong việc tiếp cận các chính sách; rút ngắn những khoảng cách giữa nhu cầu thực tế và các chương trình hỗ trợ được triển khai; đẩy mạnh các giải pháp hoàn thiện mô hình HTX về mặt bản chất hoạt động, tăng cường phát huy nội lực và tạo tính bền vững cho mô hình này sau khi các chính sách hỗ trợ kết thúc; tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác xã gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ nâng cao năng lực để tăng tính chủ động của các HTX trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển HTX.

Những đề xuất mà đề tài đưa ra sẽ là cơ sở khoa học để tỉnh xem xét, bổ sung các chính sách hỗ trợ phù hợp hơn với đặc điểm của các HTX; tập trung củng cố, đổi mới, phát triển mô hình HTX theo chiều sâu, với nhiều mô hình đa dạng, coi trọng hiệu quả hoạt động và mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên, từ đó góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới