Phát huy vai trò tư vấn, thẩm định và nghiên cứu khoa học

Những năm qua, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh luôn là nơi tập hợp các nhà khoa học đầu ngành, những nhà quản lý có kinh nghiệm cùng với các hội viên phát huy trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu lịch sử, văn hóa, biên soạn nhiều cuốn sách về các đề tài lịch sử cũng như bảo vệ, tôn tạo, giữ gìn các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương.

 

 

Nghiệm thu Đề tài “Lịch sử các khu căn cứ du kích của tỉnh Sơn La trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)” (tháng 10/2017).

 

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh được thành lập năm 2007, là tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, tuyên truyền và giáo dục lịch sử. Sau 13 năm thành lập, tổ chức bộ máy của Hội từng bước được kiện toàn, hiện có 5 chi hội, gồm: Thành phố, Bảo tàng tỉnh, Đại học Tây Bắc, huyện Phù Yên và Chi hội Văn phòng với tổng số 120 hội viên, trong đó có 9 hội viên là tiến sỹ, 16 thạc sỹ, còn lại đa số có trình độ đại học. Các hội viên là các bậc lão thành cách mạng, giáo viên bộ môn lịch sử, cán bộ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện.

 

Trong 5 năm qua, Hội đã tham mưu cho tỉnh tổ chức nhiều cuộc hội thảo giá trị, tham gia viết tham luận, đóng góp ý kiến về các sự kiện, nhân vật lịch sử và văn hóa, như: “Tỉnh Sơn La trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc”, “Dấu ấn lịch sử 60 năm Bác Hồ về thăm Tây Bắc (1959-2019)”, “Khu căn cứ cách mạng Lao Khô - biểu tượng quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào”, “Chi bộ Nhà tù Sơn La - Giá trị lịch sử và hiện thực”, “Ngã ba Cò Nòi anh hùng - Tầm vóc và giá trị lịch sử”. Đồng thời, tham gia tư vấn, thẩm định nhiều đề tài và những cuốn sách viết về lịch sử địa phương, như: Địa chí Sơn La, Giữ gìn và phát huy bản sắc tốt đẹp của dân tộc Thái ở Sơn La trong quá trình hội nhập quốc tế... Tham gia các Hội đồng khoa học của tỉnh xét duyệt và nghiệm thu các đề tài về lịch sử, văn hóa, xã hội quan trọng, như: “Biên niên lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La - Tập 2 (1955-2005), Văn kiện Đảng bộ tỉnh Sơn La (1939-2015) do Ban Tuyên giáo tỉnh ủy chủ trì. “Lịch sử Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai (1945-2015)”, “Lịch sử Đảng bộ huyện Phù Yên (1945-2015)”; phối hợp với Ban Tuyên giáo các huyện ủy, Thành ủy chỉ đạo, hướng dẫn nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng bộ các xã, phường, thị trấn; tích cực tham gia tư vấn xây dựng, hoàn thiện lý lịch Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, kịp thời để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

 

Thành tích đáng ghi nhận trong hoạt động nghiên cứu khoa học, Hội đã nghiên cứu, biên soạn đề tài “Các khu căn cứ du kích trong kháng chiến chống thực dân Pháp ở Sơn La” được Hội đồng Khoa học của tỉnh tổ chức nghiệm thu đánh giá đạt chất lượng; phối hợp với Thành ủy, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nghiên cứu, biên soạn cuốn “Lịch sử Đảng bộ Thành phố Sơn La (1961-2015)”, “Lịch sử Đảng bộ huyện Thuận Châu (1945-2015)”... Nhiều chi hội trực thuộc tích cực tham gia nghiên cứu, thực hiện các đề tài khoa học, điển hình là Chi hội sử học Bảo tàng tỉnh thực hiện đề tài “Nghiên cứu và phát huy di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình (địa phận Sơn La)”. Chi hội sử học Trường Đại học Tây Bắc đã tham mưu, phối hợp với nhà trường tổ chức các cuộc hội thảo: “70 năm ngày toàn quốc kháng chiến”, “60 năm học tập và làm theo Di chúc Bác Hồ” và có nhiều đề tài nghiên cứu cấp bộ và chuyên ngành mang giá trị lý luận và thực tiễn, góp phần thiết thực vào công tác biên soạn, tuyên truyền và giáo dục lịch sử.

 

Bà Vương Ngọc Oanh, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, cho biết: Công tác nghiên cứu, biên soạn và giáo dục lịch sử được quan tâm triển khai thực hiện và thu được nhiều kết quả, góp phần vào việc giáo dục truyền thống, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; khơi dậy truyền thống yêu nước, đoàn kết, cách mạng, lòng tự hào dân tộc và niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La. Rút ra được các bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu, những vấn đề có ý nghĩa lý luận để vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng Sơn La ngày càng phát triển.

 

Để nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, thẩm định và nghiên cứu khoa học, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; phát huy vai trò của Hội trong việc vận động, thu hút nhà khoa học đầu ngành tham gia hoạt động tư vấn, thẩm định và nghiên cứu các đề tài về lịch sử, xã hội nhân văn, góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, đoàn kết, cách mạng ở địa phương, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Sơn La.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới