Hiện nay, tỉnh Sơn La có trên 34.000 nữ trí thức, trong đó, có 1 Anh hùng lao động, 2 phó giáo sư, tiến sỹ; 50 tiến sỹ; 11 bác sỹ chuyên khoa II. Đội ngũ nữ trí thức tham gia hầu hết các lĩnh vực hoạt động của xã hội, đảm nhận nhiều vị trí, trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp.
Du khách trải nghiệm sản phẩm du lịch Mộc Châu qua ứng dụng công nghệ thực tế ảo.
Bà Phạm Thị Hà, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh, cho biết: Đội ngũ nữ trí thức trong tỉnh luôn phát huy trí tuệ, sáng kiến, sáng tạo, để lại nhiều dấu ấn. Trên cương vị công tác, đội ngũ nữ trí thức của tỉnh đang đóng góp tích cực vào thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đào tạo nguồn nhân lực, sáng tạo công trình khoa học, văn hóa, nghệ thuật, góp phần nâng cao trình độ khoa học và công nghệ.
Điển hình, Nhà giáo ưu tú Hoàng Kim Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, đã đạt giải thưởng Tài năng sáng tạo, giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, 2 Bằng lao động sáng tạo, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì; PGS.TS Bùi Thị Thanh Hoa, Trưởng khoa Ngữ văn Trường đại học Tây Bắc; Nhà giáo ưu tú Trần La Giang, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Sơn La; chị Lò Mai Cương, nguyên Trưởng phòng bồi dưỡng Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Sơn La, đạt giải thưởng Tài năng sáng tạo nữ, giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam, giải thưởng Kovalevskaya; Tiến sĩ Vũ Thị Đức, Khoa Khoa học sức khỏe, Trường đại học Tây Bắc, với đề tài cấp bộ và cấp tỉnh “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh trưởng, sinh sản của gà H’Mông nuôi bán công nghiệp và chăn thả tại Thuận Châu, Sơn La”; bà Phạm Thị Thi, Xưởng trưởng xưởng chế biến, Công ty Nông nghiệp Tô Hiệu, đạt giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh và Bằng lao động sáng tạo...
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, từ năm 2016 đến nay, đội ngũ nữ trí thức của tỉnh tham gia thực hiện trên 50 đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh, trong đó, trực tiếp làm chủ nhiệm 16 đề tài khoa học và công nghệ; có 5 giải pháp của nữ trí thức đạt giải trong Hội thi sáng tạo Kỹ thuật toàn tỉnh; 8 giải pháp được cấp Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và 1 giải pháp đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam. Các đề tài, giải pháp đã phát huy hiệu quả. Tiêu biểu như cô giáo Đào Thị Hiếu, giáo viên Trường THCS Nguyễn Tất Thành, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, đã nghiên cứu và sáng chế thành công máy xay cá để chế biến thành nhiều sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cá sông Đà.
Cô giáo Đào Thị Hiếu cho biết: Quỳnh Nhai có nguồn thủy sản tự nhiên khá lớn, tuy nhiên, người dân mới chỉ khai thác cá tươi để bán ra thị trường. Song, còn một lượng khá lớn cá có trọng lượng dưới 1 kg chưa được chế biến, tôi đã nghiên cứu, sáng chế máy xay cá để chế biến các loại cá nhỏ thành nhiều loại thực phẩm. Các sản phẩm hiện đã được UBND huyện Quỳnh Nhai làm quy trình để công nhận sản phẩm OCOP.
Hay chị Đặng Hải Duyên, cán bộ Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, đã cùng đồng nghiệp nghiên cứu, sáng tạo giải pháp “Ứng dụng công nghệ thực tế ảo, quảng bá du lịch Mộc Châu”. Chị Duyên cho biết: 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch có thời điểm phải dừng lại. Hơn nữa, hiện nay, một lượng lớn khách du lịch có xu hướng tìm hiểu điểm đến trên internet trước khi đến du lịch. Vì thế, tôi và đồng nghiệp đã nghiên cứu, sáng tạo ra giải pháp trên, giúp du khách có thể tìm hiểu kỹ hơn các điểm đến, thu hút du khách đến với Mộc Châu.
Để đội ngũ nữ trí thức có điều kiện đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục tham mưu đề xuất những chủ trương, chính sách phù hợp, hiệu quả, đồng hành cùng đội ngũ nữ trí thức, giúp họ phát huy năng lực, ngày càng khẳng định vai trò và vị thế trong thời kỳ mới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!