Phát huy tính tiên phong, mũi nhọn của hệ thống trường chuyên

Những năm qua, hệ thống trường trung học phổ thông (THPT) chuyên đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu để đào tạo nên các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân giỏi cho việc phát triển đất nước.

Giờ học tin học của học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ. (Ảnh VĨNH HÀ)

Sau 10 năm thực hiện Ðề án "Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020", các trường đã phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng giáo dục, đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Hữu Ðộ cho biết: Hệ thống trường chuyên được củng cố và phát triển từ 68 trường chuyên năm 2010 tăng lên 77 trường năm 2020, bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất một trường chuyên, có nơi có hai trường chuyên phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển của địa phương. Tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh THPT trên toàn quốc. Số lượng trường đạt chuẩn quốc gia đã tăng từ 21 trường vào năm 2010 lên tới 60 trường vào năm 2020. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học của các trường chuyên từng bước được tăng cường. Việc phát triển chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý được các trường chuyên xác định là khâu then chốt. Các địa phương đều có quy định những chính sách đặc thù để thu hút giáo viên về dạy trường chuyên, bảo đảm yêu cầu số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp. Ðến năm học 2019-2020, số người có trình độ tiến sĩ đạt 1,57%, thạc sĩ đạt 53,62%. Ðây cũng là thành tựu nổi bật đáng ghi nhận khi triển khai thực hiện Ðề án.

Nhiều địa phương đã có chính sách đầu tư, phát triển trường chuyên. Tại Hải Phòng, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam, thành phố đã đầu tư, xây dựng Trường THPT chuyên Trần Phú với diện tích 4,2 ha. Có chính sách miễn học phí cho toàn bộ học sinh các cấp, chính sách đãi ngộ thầy cô giáo, học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế. Cụ thể, giáo viên ở tỉnh khác về công tác ở trường THPT chuyên của thành phố, sau khi được kiểm tra, sát hạch, đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ 300 triệu đồng. Với những học sinh thi đoạt giải quốc gia, mức thưởng từ 20 đến 50 triệu đồng. Ðối với học sinh thi đoạt giải quốc tế, mức thưởng từ 300 đến 500 triệu đồng. Thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm, sân chơi thể dục, thể thao và xây dựng ký túc xá cho học sinh.

Tại tỉnh Lai Châu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Lưu Hồng Phương cho biết: Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn mới được thành lập hơn 10 năm cho nên so với mặt bằng chung cả nước kết quả và quy mô còn khiêm tốn; nhưng đây thật sự là hình mẫu của các trường THPT trên toàn tỉnh Lai Châu. Kết thúc năm học 2019-2020, nhà trường có tổng số 18 lớp với 513 học sinh, so với năm học 2010-2011, số lượng lớp chuyên tăng 10 lớp, số lượng học sinh học chuyên tăng 306 học sinh. Hằng năm, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 100%, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học đạt hơn 85%...

Là người gắn bó với việc triển khai đề án phát triển trường chuyên từ những ngày đầu, nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Mục tiêu của trường chuyên là phát triển năng lực của người học một cách toàn diện, đi đầu trong đào tạo những con người có năng khiếu để trở thành nhân tài. Trường chuyên có vai trò dẫn dắt đi đầu, là nơi sáng tạo dành cho những người sáng tạo nhất. Nhờ có hệ thống trường chuyên các tỉnh miền núi khó khăn mới phát hiện, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi, đó chính là sự công bằng trong giáo dục.

Tuy nhiên, hệ thống trường chuyên còn bộc lộ một số hạn chế. Tỷ lệ trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia vẫn khá cao; một số nơi coi nặng bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, chưa tăng cường cho học sinh các kỹ năng thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học và các kỹ năng mềm khác... Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Ðà Nẵng Mai Tấn Linh đề xuất Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần sớm có định hướng phát triển trường THPT chuyên giai đoạn tiếp theo; đồng thời, có cơ chế huy động các nguồn lực vào phát triển trường chuyên để xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, trang bị dạy học hiện đại, bồi dưỡng giáo viên...; tăng cường kết nối hơn nữa giữa trường chuyên với các trường đại học hàng đầu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hương đề nghị Bộ Giáo dục và Ðào tạo xây dựng cơ chế chung để đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời, có chính sách đãi ngộ, thu hút với giáo viên các trường chuyên.

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Kim Sơn, học sinh các trường chuyên đã đạt được rất nhiều kết quả trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, là nguồn tuyển rất tốt cho bậc đại học, cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao. Ðề án "Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020" đã trở thành cú huých, đóng góp chung vào sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, mà trực tiếp nhất là giáo dục phổ thông. Thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục củng cố, phát huy tính tiên phong, mũi nhọn của hệ thống trường chuyên, nhất là về phương pháp, cách thức tổ chức và khoa học giáo dục; tiếp tục đổi mới xây dựng hệ thống chuyên trở thành các trường chất lượng cao, đặt trên nền tảng của các trường chuyên hiện có...

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới