Sau hơn một năm Hội Khuyến học tỉnh triển khai thí điểm mô hình “Công dân học tập", mặc dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song, mô hình đã bước đầu tạo sự lan tỏa sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết phải học tập suốt đời.
Phụ huynh học sinh phường Quyết Thắng, Thành phố hướng dẫn con em học ở nhà.
Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Chánh Văn phòng, Tổng thư ký Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: Triển khai thí điểm mô hình “Công dân học tập”, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với các địa phương lựa chọn 40 xã, phường, thị trấn, 37 chi bộ, 47 cơ quan, trường học; 36 bản, tổ dân phố với tổng số 1.688 công dân đăng ký tham gia. Các đơn vị, công dân được chọn làm thí điểm đều tích cực tham gia và có ý thức phối hợp thực hiện. Kết quả, 1.373 công dân đạt các tiêu chí về “Công dân học tập”, chiếm tỷ lệ hơn 81%.
Bà Lò Thị Liên, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Thành phố, cho biết: Thực hiện mô hình, Hội đã chủ động tuyên truyền các tiêu chí về công dân học tập đến tất cả hội khuyến học xã, phường và các cơ quan, đơn vị, từ đó phổ biến đến từng gia đình. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách tự kê khai, xác định minh chứng, cho điểm theo các tiêu chí, chỉ số đánh giá. Đồng thời, lựa chọn xã Chiềng Xôm làm thí điểm xây dựng mô hình với 4 đơn vị, gồm: Cơ quan xã, Trường TH&THCS Chiềng Xôm, bản Phiêng Ngùa, bản Panh, mỗi đơn vị có 10 thành viên tham gia. Hết năm 2021, 100% thành viên tham gia đều đạt các tiêu chí về công dân học tập.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, các trường học trên địa bàn Thành phố chuyển sang hình thức dạy và học trực tuyến. Để thích ứng, cả giáo viên và học sinh đều phải tự trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin. Cô Phạm Hồng Phương, giáo viên Trường tiểu học Quyết Thắng, chia sẻ: Tham gia mô hình “Công dân học tập” đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19, nên tôi đã tự tìm hiểu, nghiên cứu mua sắm thiết bị, ứng dụng công nghệ để việc soạn giảng dạy online, sao cho truyền đạt nội dung bài giảng đến học sinh hiệu quả nhất. Tôi cũng thường xuyên học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Các tiêu chí của mô hình đặt ra khá hay, bởi ngoài năng lực tự học còn đề cập đến năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội. Khi tham gia, tôi nhận thấy mình còn nhiều mặt hạn chế. Đó cũng là động lực để tôi và thành viên trong gia đình không ngừng học tập và rèn luyện hơn nữa.
Đến nay, đa số công dân đều đánh giá bộ tiêu chí công dân học tập có các nội dung, bước tiến hành, hình thức đăng ký, đánh giá, kiểm tra, công nhận kết quả khá phù hợp và có thể thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có một số tiêu chí của mô hình cần điều chỉnh cho phù hợp để nhân rộng. Ví dụ, phần lớn nông dân đều gặp khó khăn trong việc học ngoại ngữ và xây dựng kế hoạch học tập, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; việc tiếp cận về công nghệ thông tin cũng không dễ dàng đối với nhóm công nhân, lao động tiểu thủ công; một số cán bộ, công chức, viên chức cũng gặp khó khăn để đạt mức thành thạo về kỹ năng ngoại ngữ và tin học.
Có thể thấy, việc xây dựng mô hình “Công dân học tập” bắt nguồn từ truyền thống hiếu học của dân tộc ta từ ngàn đời, là yếu tố cần thiết, là hạt nhân để có được các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập và xã hội học tập. Để xây dựng thành công xã hội học tập trên địa bàn tỉnh, đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị; người đứng đầu các tổ chức, đơn vị, địa phương cần phát huy tốt vai trò nòng cốt, trách nhiệm của mình; đặc biệt, sự đồng thuận của người dân là hết sức cần thiết để việc triển khai mô hình “Công dân học tập” đạt kết quả như mong muốn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!