Việc môn Toán (một trong ba môn bắt buộc của Kỳ thi THPT quốc gia) bắt đầu áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan từ năm 2017 đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình, trong đó có ý kiến từ phía các nhà Toán học.
Thí sinh dự thi môn Toán.
Phản biện lại, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nên hay không nên thi trắc nghiệm môn Toán thì cần hiểu chính xác mục đích của Kỳ thi THPT quốc gia. Các ý kiến phản đối cho rằng: Việc tổ chức thi trắc nghiệm môn Toán tại kỳ thi THPT quốc gia tổ chức từ năm 2017 là quá gấp gáp, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của học sinh, giáo viên. Thi trắc nghiệm môn Toán sẽ khiến việc dạy và học ở trường phổ thông thay đổi theo hướng không đáp ứng việc trang bị cho học sinh THPT kỹ năng quan trọng như: tư duy, đặt vấn đề và giải quyết vấn đề, khiến các em dễ lười học hoặc học “tủ”, học vẹt…
Về việc nên hay không nên cho thi trắc nghiệm môn Toán, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng cần nhìn nhận cho đúng mục tiêu của Kỳ thi THPT quốc gia. “Tôi e rằng những người phản đối đang hiểu nhầm mục tiêu của kỳ thi”. Theo ông, thi THPT quốc gia không phải là kỳ thi tuyển chọn nhân tài. Kỳ thi chúng ta đang bàn tới thì việc sàng lọc chỉ mang tính phân loại thôi. Nếu lấy kết quả để vào ĐH thì chỉ có hai 2 loại: Vào được và chưa vào được ĐH. Còn nếu thi tuyển chọn nhân tài thì môn Toán không nên để thi trắc nghiệm. Ví dụ thi Olympic Toán học dĩ nhiên không nên dùng hình thức trắc nghiệm.
"Nhưng mục đích kỳ thi này là để phân loại. Nhân tài, nếu có sẽ rơi vào nhóm được vào đại học thì trong quá trình học tập tiếp theo ta có nhiều cách để lựa chọn nhân tài" - ông nói.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Phương Nga – Giám đốc trung tâm Kiểm định chất lượng, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng: Thi phổ thông không phải là thi nhân tài. Cuộc thi này nhằm mục đích xét xem các em có đủ năng lực tốt nghiệp phổ thông hay không, việc dùng kết quả để xét tuyển vào ĐH, CĐ hay không là việc của các trường ĐH, CĐ.
Để nói lựa chọn phương pháp tự luận hay trắc nghiệm thì cần quay lại mục đích của bậc học phổ thông, đó là trang bị cho học sinh những kỹ năng, kiến thức cơ bản nhất. Ở góc độ đó, Bộ GD-ĐT cần tập trung vào việc tốt nghiệp THPT, hướng tới mục đích của kỳ thi là học sinh trung bình có thể đỗ, học sinh giỏi thì có điểm cao” - bà nói. “Với môn Toán nhiều người nói không nên thi trắc nghiệm khách quan nhưng với quy mô cả triệu thí sinh, để bảo đảm công bằng, khách quan nhất, không gian lận thì trắc nghiệm khách quan là phương án ưu việt”.
Bà Nguyễn Thị Phương Nga cho biết thêm: Theo nghiên cứu của Hoa Kỳ đối với phương pháp trắc nghiệm khách quan cho các môn KHTN và KHXH khẳng định trắc nghiệm khách quan đo lường được tư duy logic của học sinh, kể cả với môn Toán. Học sinh phải lập luận, phân tích để chọn ra phương án đúng. Đây là kỹ năng cần thiết của các em.
Thế nhưng điều này đòi hỏi người ra đề thi phải có trình độ cao, được tập luyện. Ra đề thi trắc nghiệm khách quan có chất lượng khó hơn rất nhiều so với ra đề tự luận, điều này cũng là nghiên cứu của thế giới chỉ ra – chuyên gia khảo thí cho biết.
Thông tin mới nhất là đến thời điểm này, Hội Toán học Việt Nam chưa có ý kiến chính thức về “Dự thảo phương án thi, xét tuyển tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017” của Bộ GD-ĐT.
Lãnh đạo Hội cho biết, ngày 12-9, Ban Chấp hành Hội Toán học Việt Nam đã có buổi họp thảo luận về “Dự thảo phương án thi, xét tuyển tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017” của Bộ GD-ĐT. Các thành viên tham dự đã thống nhất sẽ có một văn bản góp ý về Dự thảo phương án thi nêu trên gửi Bộ GD-ĐT. “Hiện nay văn bản này đang trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chấp hành. Vì vậy cho đến nay Hội Toán học Việt Nam chưa có ý kiến chính thức về “Dự thảo phương án thi, xét tuyển tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017” của Bộ GD-ĐT” GS.TS Nguyễn Hữu Dư – Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam thông tin với báo chí.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!