Nỗ lực dạy và học ở Liệp Tè

Từ thị trấn Thuận Châu, chúng tôi vượt hơn 30 km đường dốc quanh co nằm lưng chừng núi, đến thăm Trường Tiểu học Liệp Tè - một xã vùng lòng hồ thủy điện Sơn La để cảm nhận về những gian nan, vất vả của những thầy, cô đang kiên trì bám trụ đưa con chữ đến với các em học sinh vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn này.

 

 

Điểm trường Trung tâm của Trường Tiểu học Liệp Tè.

 

Đón chúng tôi, thầy giáo Bạc Cầm Du, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liệp Tè, cho biết: Liệp tè hầu hết là các bản nằm dọc trên các dãy núi bên vùng hồ thủy điện Sơn La. Hơn 10 năm trước thực hiện giải phóng lòng hồ thủy điện Sơn La, Liệp tè thực hiện di dân tại chỗ. Dù được đầu tư khá đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, song địa hình dốc, ít đất canh tác nên bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Trường Tiểu học Liệp Tè hiện có 32 cán bộ, giáo viên, phụ trách giảng dạy 22 lớp, 504 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trường có 1 điểm trường Trung tâm và 6 điểm lẻ, điểm trường gần nhất cách trung tâm 10 km, điểm trường xa nhất trên 25 km. Do đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, nên nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con em mình, để học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ học sinh đi học, thầy cô giáo có khi phải băng rừng, lội suối đến từng gia đình tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con, em đi học.

 

Khắc phục mọi khó khăn thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học, nhiều năm qua, nhà trường luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên vững về tư tưởng chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, tận tâm với nghề. Hàng năm, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên kiểm tra chuyên đề đối với cán bộ, giáo viên thông qua dự giờ, đánh giá trên lớp, 100% giáo viên đạt yêu cầu chuẩn kiến thức kỹ năng; tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường để lựa chọn, bồi dưỡng giáo viên tham gia thi cấp huyện, cấp tỉnh; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, khuyến khích giáo viên tự làm đồ dùng dạy học, áp dụng sáng kiến kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả giờ học. Qua đó, giúp các giáo viên chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình công tác.

 

Trong hoạt động chuyên môn, nhà trường tăng cường các hoạt động thực hành, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội cho học sinh. Với đặc thù trường có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhiều em chưa nghe, nói thông thạo tiếng phổ thông, nên ngay từ đầu năm học Nhà trường chủ động phân loại học sinh để có kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với khối 1 và 7 buổi/tuần đối với các khối lớp 2, 3, 4, 5.

 

Đã 5 năm công tác tại Trường Tiểu học Liệp Tè, vợ chồng cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt và thầy Tòng Văn Bính luôn động viên nhau vượt khó khăn để tiếp tục gắn bó, truyền đạt kiến thức cho học sinh, cô Nguyệt, tâm sự: Hầu hết học sinh trong trường đều rất hiếu học, nhà xa nên ở bán trú tại trường. Bên cạnh việc giảng dạy kiến thức văn hóa, các thầy giáo, cô giáo như người cha, người mẹ thứ 2, luôn quan tâm, nhắc nhở, hướng dẫn các em thực hiện tốt nội quy khu bán trú, quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường; hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, giáo dục kỹ năng sống với các nội dung thiết thực, phù hợp tâm lý, lứa tuổi học sinh. Để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, tôi còn luôn đổi mới phương pháp dạy học với các bài giảng trình chiếu có hình ảnh minh họa phong phú, thu hút học sinh đến trường.

 

Công tác chăm lo đời sống cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhà trường luôn quan tâm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho các em. Nhà ở bán trú của học sinh được trang bị quạt, điện sáng, nước uống... bếp và nhà ăn luôn sạch sẽ, gọn gàng; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bữa ăn; chế độ, khẩu phần ăn cho học sinh đủ, đúng định lượng. Bên cạnh đó, học sinh thường xuyên được theo dõi sức khỏe, khám, điều trị và phòng dịch bệnh theo mùa. Năm học 2020 - 2021, nhà trường phấn đấu 100% học sinh lớp 5 được công nhận hoàn thành chương trình bậc Tiểu học, 98% trở lên học sinh các lớp còn lại đủ điều kiện để lên lớp thẳng; trong đó, có ít nhất 30% học sinh khen thưởng học sinh tiên tiến và xuất sắc.

 

Bằng tấm lòng chân tình, trách nhiệm của mình, các thầy, cô giáo nơi đây đã và đang tiếp tục nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm vượt khó vươn lên, trở thành địa chỉ tin cậy gieo mầm ước mơ cho thế hệ “măng non” ở vùng đất khó Liệp Tè.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới