Những vấn đề đặt ra sau sáp nhập các trường học

Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án kiện toàn, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo Nghị Quyết số 19-NQ/TW, toàn tỉnh đã kiện toàn, sắp xếp giảm 255 trường học thuộc UBND huyện, thành phố. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc sáp nhập các trường học đặt ra nhiều vấn đề phát sinh cần giải quyết.

                      

           

Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học và THCS Mường Men (Vân Hồ).           

Ảnh chụp trước ngày 27/4

           

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, sau khi sáp nhập, các đơn vị nhanh chóng ổn định và đi vào hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc tổ chức kiện toàn, sáp nhập các trường học đã góp phần tinh giản số lượng đầu mối đơn vị, đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên. Công tác chỉ đạo về chất lượng giáo dục được thống nhất và xuyên suốt trong các cấp học

           

Các cơ sở giáo dục tổ chức giảng dạy, học tập, sinh hoạt chuyên môn đảm bảo tiến độ chương trình năm học. Những giáo viên dạy các môn: Thể dục, âm nhạc, mĩ thuật, tiếng Anh có thể bố trí dạy được cả hai cấp học, giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên chuyên cấp tiểu học. 100% trường học sau sáp nhập đã xây dựng kế hoạch giáo dục theo từng cấp học, môn học, hoạt động giáo dục phù hợp điều kiện thực tế của nhà trường theo hướng điều chỉnh, sắp xếp lại các nội dung dạy học, gắn chương trình giáo dục với thực tiễn cuộc sống, tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; chú trọng dạy học chính khóa, cập nhật nội dung dạy học...

           

Tuy nhiên, việc sáp nhập phát sinh một số vấn đề cần giải quyết. Đầu tiên là việc chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động chuyên môn trong các trường liên cấp còn gặp khó khăn, bởi sau khi sáp nhập hiệu trưởng các trường liên cấp chủ yếu có chuyên môn THCS, khi quản lý, chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở cấp tiểu học chưa sát thực tế, chưa phù hợp với đặc thù của cấp học.

           

Hầu hết các trường đã sáp nhập 2 cấp học vẫn hoạt động tương đối độc lập, do chuyên môn khác nhau, giờ học không đồng nhất (tiểu học 35 phút/tiết, THCS 45 phút/tiết; học sinh tiểu học học từ thứ 2 đến thứ 6 và có trên 40% lớp học 2 buổi/ngày, học sinh THCS học 1 buổi và học cả thứ 7) ảnh hưởng đến công tác quản lý. Đối với bậc tiểu học chỉ được bố trí 01 đồng chí phó hiệu trưởng phụ trách cả chuyên môn, cơ sở vật chất và hoạt động bán trú nên không đáp ứng được nhiệm vụ. Việc bố trí số lượng giáo viên cũng gặp khó khăn, giáo viên giảng dạy cấp THCS theo tỷ lệ 1,9 giáo viên/lớp, cấp tiểu học tỉ lệ 1,2 đến 1,5 giáo viên/lớp; việc tính số tiết theo quy định đối với giáo viên các bộ môn đặc thù gặp khó khăn, nhất là giáo viên tham gia dạy học cả 2 cấp học, di chuyển đến các điểm trường khác nhau.

           

Bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Bắc Yên, cho biết: Sau khi sáp nhập các trường liên cấp Tiểu học - THCS trên địa bàn huyện, công tác quản lý, điều hành, tổ chức triển khai các hoạt động dạy và học của các trường vất vả hơn, do phải triển khai, thực hiện nhiệm vụ của nhiều cấp học, nhất là bậc tiểu học thường xuyên bị quá tải. Công tác quản lý đối với hiệu trưởng ở các trường cũng khó khăn, quy mô của trường lớn, địa bàn rộng, có nhiều điểm trường khoảng cách khá xa nhau, phạm vi quản lý chuyên môn xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 9, trách nhiệm nặng nề hơn. Một số trường trước khi sáp nhập là trường đạt chuẩn quốc gia, sau khi sáp nhập thì không còn đảm bảo tiêu chí trường chuẩn quốc gia, do số lớp vượt so với quy định.

           

Cùng với đó, điều kiện cơ sở vật chất của nhiều đơn vị trường sau sáp nhập còn thiếu, như: Hệ thống phòng học chức năng, thư viện, thí nghiệm, nhà ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ cho giáo viên, công trình vệ sinh, công trình nước và các hạng mục phụ trợ khác chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ dạy và học. Nhiều trường số lượng học sinh lớn, nhưng diện tích sân trường, khu để học sinh ngoại khóa, hoạt động tập thể không đảm bảo; không có phòng họp đáp ứng đủ cho số lượng giáo viên tham gia các cuộc họp; việc dồn ghép các điểm trường lẻ về các điểm trung tâm gặp khó khăn do diện tích khuôn viên, cơ sở vật chất còn thiếu, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ nuôi dạy bán trú ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của các nhà trường.

           

Ông Trương Quang Hảo, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Suối Tọ (Phù Yên), chia sẻ: Nhà trường sáp nhập hai cấp học từ năm học 2018-2019. Ngoài 2 điểm trường trung tâm, còn 4 điểm lẻ, với đặc thù xã vùng cao đi lại khó khăn nên ảnh hưởng đến công tác quản lý. Đặc biệt, cơ sở vật chất sau khi sáp nhập chưa được đầu tư đồng bộ, hoạt động của hai cấp học tương đối độc lập do địa điểm khác nhau.

           

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thông tin: Trên cơ sở tổng hợp ý kiến kiến nghị của các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường, Sở đã đề nghị với tỉnh xem xét, cho phép tách trường đối với những trường có nhiều điểm trường, điểm trường xa nhau, đi lại khó khăn, học sinh đông. Tiếp tục quan tâm tạo điều kiện bố trí kinh phí mua sắm thiết bị dạy học giai đoạn 2021-2025 theo Đề án tăng cường cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt bảo đảm bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo quy định góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới