Năm 2020 là một năm thành công của không chỉ những nhà khoa học mà cả những nhà sáng chế “chân đất” của tỉnh ta. Họ là những điển hình trong lao động sáng tạo, cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương Sơn La ngày càng giàu mạnh.
Nhà khoa học của “nhà nông”
Tiến sỹ Vũ Quang Giảng hướng dẫn người dân cách phòng sâu bệnh cho cây xoài.
Trong suốt gần 20 năm công tác tại Trường Đại học Tây Bắc, Tiến sỹ Vũ Quang Giảng đã tham gia thực hiện 14 đề tài, dự án các cấp. Các kết quả nghiên cứu của anh và cộng sự đã mang lại lợi ích thiết thực cho việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Điển hình là đề tài “Trồng thử nghiệm và chọn giống thanh long phù hợp với điều kiện tự nhiên, canh tác tại tỉnh Sơn La”, đã tuyển chọn được giống thanh long ruột đỏ phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu của Sơn La; đề tài “Nghiên cứu biện pháp phòng trừ sâu đục quả xoài tỉnh Sơn La”, xác định 24 loài sâu, bệnh gây hại trên cây xoài (17 loại sâu và 7 loại bệnh), hướng tới phòng trừ 3 loài sâu hại chính là: Bọ vòi voi, ruồi đục quả xoài và sâu đục hạt xoài; đề tài “Một số đặc điểm sinh học của mọt đục quả cà phê Stephanoderes ham-pei Ferrari (Coleoptera: Scolytidae) hại cà phê tại Sơn La” có giá trị giúp người nông dân hiểu biết và phòng trừ hiệu quả đối tượng sâu hại nguy hiểm trong quá trình trồng và chăm sóc cây cà phê... Đặc biệt, năm 2018, “Giải pháp sử dụng bẫy Karomone phòng trừ mọt đục quả cà phê” của anh và cộng sự đã đoạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sơn La lần thứ 6. Giải pháp đã giúp người dân giảm được số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chi phí sản xuất, hạn chế ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật đến sức khỏe con người và môi trường.
Tiến sỹ Vũ Quang Giảng đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là Nhà khoa học của nhà nông năm 2019.
Kỹ sư trẻ năng động sáng tạo
Với niềm đam mê sáng tạo kỹ thuật, kỹ sư Đỗ Việt Bách, sinh năm 1988, đang công tác tại Công ty Thủy điện Sơn La đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, mang lại lợi ích kinh tế cho đơn vị.
Kỹ sư Đỗ Việt Bách hướng dẫn cán bộ kỹ thuật sử dụng phần mềm.
Điển hình là sáng kiến “Nghiên cứu nghiệm đặc tính công suất của máy phát SF400-66/16470 Nhà máy thủy điện Sơn La với bản vẽ nhà thầu cung cấp. Viết phần mềm vẽ đặc tính công suất của các máy phát đồng bộ cực lồi”. Giải pháp này giúp tối ưu hóa chế độ vận hành, tra cứu, đào tạo, khảo sát năng lực điều chỉnh công suất của tất cả các máy phát trên hệ thống điện với thông số kỹ thuật khác nhau (thay thế hoàn toàn giải pháp cũ là đọc bản vẽ nhà chế tạo cung cấp với tọa độ không chính xác và chỉ có 3 khoảng giá trị điện áp). Cùng với đó, phần mềm vẽ đặc tính công suất của nhà máy đồng bộ cực lồi dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu đầu vào bằng thuật toán và các công thức tính toán, giúp cho nhà máy thủy điện chủ động được việc tăng tải, giảm tải với tần số phù hợp. Nhờ đó, làm lợi cho Nhà máy trên 50 tỷ đồng/năm. Giải pháp xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 7, năm 2020 và được các chuyên gia đánh giá rất cao về tính ứng dụng cũng như tính hiệu quả.
Đỗ Việt Bách đang là “ngọn lửa” truyền nhiệt huyết về tinh thần nghiên cứu sáng tạo, lao động giỏi cho các đồng nghiệp cùng phấn đấu, vươn lên, đóng góp vào sự phát triển của Công ty Thủy điện Sơn La.
Vì sức khỏe của người dân
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Công Bằng, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn được đồng nghiệp đánh giá cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ; đặc biệt, anh còn được biết đến là người luôn đam mê sáng tạo, nghiên cứu giải pháp khoa học kỹ thuật mới trong điều trị, góp phần cứu chữa người bệnh.
Bác sỹ Nguyễn Công Bằng (giữa) cùng Ê kíp phẫu thuật nội soi một lỗ trong điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em.
Ths.Bs Nguyễn Công Bằng đã có nhiều giải pháp góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện. Có thể kể đến như: Giải pháp “Nghiên cứu áp dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị viêm phúc mạc ruột thừa”. Giải pháp này được thực hiện dựa trên nguyên lý “Ổ bụng là một khoang ảo nên có thể đưa camera và các dụng cụ phẫu thuật vào để quan sát và phẫu thuật”. So với phẫu thuật thông thường, phẫu thuật nội soi sẽ ít đau đớn hơn do vết rạch rất nhỏ. Nhờ đó mà người bệnh hồi phục cũng nhanh hơn, tiết kiệm chi phí, nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng giảm đáng kể, thời gian mổ được rút ngắn, bình quân khoảng 45 phút cho một ca. Hiện tại, giải pháp đã được chuyển giao kỹ thuật và áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa Phù Yên, Sông Mã, Bắc Yên và Bệnh viện Quân y 6. Giải pháp đoạt giải Nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 6 (năm 2018) và đoạt giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 (năm 2019).
Tiếp nối thành công, anh Bằng và đồng nghiệp đã nghiên cứu giải pháp “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi một lỗ trong điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La”. Khi áp dụng giải pháp này, thời gian mổ được rút ngắn xuống còn từ 5 - 25 phút, bệnh nhân có thể xuất viện ngay sau 1 ngày. Giải pháp trên cũng được bác sỹ Bằng cùng đồng nghiệp tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 7 năm 2020 và đoạt giải Nhì. Với sự tâm huyết, yêu nghề, hết lòng vì người bệnh, thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Công Bằng và đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La đã và đang cống hiến hết mình cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân q
Nhà sáng chế không chuyên
Anh Tòng Văn Quang lắp đặt máy phát điện mini cho người dân.
Mặc dù không được đào tạo bài bản, nhưng với lòng đam mê và tinh thần sáng tạo, anh Tòng Văn Quang, ở bản Noong Pi, xã Pi Toong (Mường La) đã chế tạo thành công máy phát điện mini rất hữu ích ở những nơi điện lưới không thể kéo tới. Chiếc máy phát điện mini có cấu tạo đơn giản, gồm 2 phần chính: cánh quạt để thu sức nước và phần lõi sử dụng động cơ máy lọc nước để phát điện. Kích thước máy nhỏ, gọn, chỉ cần một luồng nước nhỏ có thể tạo ra nguồn điện chiếu sáng cho 5 chiếc bóng đèn. Đặc biệt, với dòng điện một chiều nên an toàn, không gây giật. Hiện, hơn 3.000 máy phát điện mini của anh đã được xuất bán ra thị trường các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai. Giá thành rẻ, mỗi máy chỉ dao động từ 1 - 1,5 triệu đồng. Năm 2018, sản phẩm được đánh giá cao về tính sáng tạo và khả năng áp dụng, đạt giải Khuyến khích trong lĩnh vực bảo vệ môi trường Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 6.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!