Là huyện biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nên một số người dân tại các bản vùng cao của huyện Sốp Cộp còn chưa biết chữ. Huyện Sốp Cộp đã và đang tích cực triển khai có hiệu quả công tác tổ chức các lớp xóa mù chữ và tuyên truyền, vận động người dân ra lớp học.
Lớp học xóa mù chữ ở bản Nó Sài, xã Sốp Cộp (Sốp Cộp).
2 tháng qua, cứ vào buổi tối, 15 học viên của lớp học xóa mù chữ bản Nó Sài, xã Sốp Cộp lại cặm cụi nắn nót từng con chữ dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của cô giáo trẻ. Học viên đến lớp học ở những độ tuổi khác nhau, đa số là phụ nữ. Tuy ban ngày bận rộn với việc nương rẫy, nhưng mọi người vẫn tham gia đầy đủ các buổi học, bởi vừa được học chữ, vừa được trò chuyện để vơi đi những vất vả sau một ngày lao động. Không khí trong lớp học cũng rất sôi nổi, sự hào hứng thể hiện rõ trên gương mặt các học viên. Chị Lò Thị Nơi, 36 tuổi, phấn khởi: Trước đây, nhà nghèo, lại đông anh em nên tôi không được đi học. Được Chi hội phụ nữ bản vận động đăng ký học lớp xóa mù chữ, tôi đăng ký đi ngay. Đi học biết chữ, biết ký tên, viết sổ sách, xem được sách báo; nhất là được gặp nhau trao đổi cách làm ăn.
Tình nguyện đăng ký dạy học xóa mù chữ ở bản Nó Sài, cô giáo trẻ Tòng Thị Phong, Trường Tiểu học - THCS Sốp Cộp, chia sẻ: Lớp học xóa mù bản Nó Sài được khai giảng từ tháng 7/2020 với 15 học viên. Trong lớp, các chị, các cô, các bà đều chăm chỉ đi học đầy đủ; dù tiếp thu chưa nhanh nhưng mọi người đều chịu khó hỏi nhau, nghe cô giáo giảng bài, cuối giờ học còn ở lại tập viết. Tôi thường tạo không khí lớp học vui vẻ, gần gũi qua các trò chơi, câu đố để các chị, các cô thoải mái và dễ dàng tiếp thu kiến thức. Đến nay, đa số các học viên đã thành thạo nghe, đọc, viết và các phép tính cộng trừ.
Bà Tòng Thị Quyên, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp, cho biết: Từ 2014 đến nay, huyện Sốp Cộp đã mở được 77 lớp học xóa mù chữ và giáo dục tiếp sau biết chữ, thu hút 1.822 học viên tham gia, nâng tỷ lệ người trong độ tuổi 15 - 60 biết chữ lên gần 90%. Năm 2020, đang mở 15 lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho 381 học viên. Bên cạnh đó, để khuyến khích học viên theo học, huyện còn có chính sách hỗ trợ cho giáo viên đứng lớp; vận động xã hội hóa hỗ trợ hoàn toàn kinh phí mua sách vở, dụng cụ học tập; kết thúc khóa học, các xã đều tổ chức đánh giá, tổng kết, khen thưởng các cá nhân tích cực và có thành tích cao trong học tập...
Trao đổi thêm, được biết: Hiện chính sách của tỉnh về “hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em gái học chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ trên địa bàn tỉnh” không còn, nên công tác vận động phụ nữ và trẻ em gái tham gia học xóa mù chữ càng thêm nhiều khó khăn. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ huyện rà soát danh sách đối tượng đăng ký học lớp xóa mù chữ; vận động tổ chức mở các lớp xóa mù chữ, chỉ đạo các trường tiểu học phân công cán bộ, giáo viên dạy lớp xóa mù chữ. Đồng thời, tích cực phối hợp các tổ chức đoàn thể, các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn tuyên truyền, phân tích lợi ích của việc biết chữ, động viên chị em đi học, nhất là phụ nữ, trẻ em ở các bản đặc biệt khó khăn.
Với sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, đến nay đã có 5/8 xã của huyện Sốp Cộp đã đạt Chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức độ I; 3/8 xã đạt Chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức độ II. Để công tác xóa mù chữ đạt hiệu quả cao hơn, huyện Sốp Cộp đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền xóa mù chữ; công tác xã hội hóa giáo dục; tăng cường đầu tư ngân sách cho công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ... góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thu hẹp khoảng cách về mặt bằng dân trí giữa các vùng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!