Đam mê sáng tạo, em Nguyễn Mỹ Anh, Nguyễn Hoàng Bảo Long, học sinh lớp 12 chuyên Sinh, Trường THPT Chuyên Sơn La, đã nghiên cứu chế tạo thành công sản phẩm “Hệ sơn mát trên cơ sở vật liệu phát quang chuyển đổi ngược và sơn EPOXY”, là sản phẩm được Ban giám khảo Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng tỉnh lần thứ 5, năm 2021 đánh giá rất cao bởi tính mới và khả năng ứng dụng vào thực tiễn.
Em Nguyễn Hoàng Bảo Long và Nguyễn Mỹ Anh (thứ 3 và 4 từ phải qua) nhận giải Nhất tại Cuộc thi.
Gặp gỡ những chủ nhân của sản phẩm, em Nguyễn Hoàng Bảo Long, chia sẻ: Ý tưởng sáng tạo của chúng em bắt nguồn từ thực tế cuộc sống. Qua những giờ học ở trường và tìm hiểu trên Intenet chúng em biết đất nước Việt Nam nằm trong khu vực có lượng bức xạ mặt trời chiếu sáng tới 1.700 - 2.500 giờ/năm. Trong tia mặt trời có tới 46% các bức xạ hồng ngoại gây nóng bức, nhất là với các căn nhà lắp kính, lợp kim loại... Hiện nay, trên thị trường đã có các sản phẩm sơn làm mát, tuy nhiên các loại sơn này chủ yếu dựa vào cơ chế phản quang, chuyển ánh sáng vùng khả kiến (ánh sáng nhìn thấy được) mặt trời, nên hiệu quả không lớn, hơn nữa với các vật liệu kim loại vẫn để lại lượng nhiệt lớn do bức xạ hồng ngoại không chuyển hóa đi được, gây hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng tới môi trường. Vì thế, chúng em ấp ủ, nghiên cứu chế tạo sản phẩm sơn có thể làm mát mọi bề mặt, khắc phục được các nhược điểm nêu trên.
Nghiên cứu, chế tạo ra sản phẩm “Hệ sơn mát trên cơ sở vật liệu phát quang chuyển đổi ngược và sơn EPOXY”, các em Nguyễn Mỹ Anh, Nguyễn Hoàng Bảo Long đã sử dụng phương pháp thủy nhiệt để tổng hợp các mẫu vật liệu Hydroxyapatite (HA) với kích cỡ tinh thể nhỏ cỡ nm, phương pháp này được tiến hành trong một hệ kín, đơn giản, khi thiết bị thủy nhiệt chỉ gồm một bình Teflon để chứa mẫu được đặt trong một bình thép nên ít tốn kém, không gây ảnh hưởng tới môi trường.
Em Nguyễn Mỹ Anh, giải thích: Điểm mấu chốt của sản phẩm nằm ở quá trình tổng hợp vật liệu UC (là vật liệu phát quang chuyển đổi ngược trong sơn) với hàng loạt các phương trình, phản ứng hóa học, được các em thực hiện với quy trình chuẩn xác tuyệt đối từ nhiệt độ, thời gian và trọng lượng. Sau khoảng 16 giờ thực hiện, sẽ thu được bột nano UC, bột này sẽ được trộn với hỗn hợp nhựa Epoxy cùng một số phụ gia khác tạo thành hỗn hợp sơn mát. Em Long giới thiệu thêm với chúng tôi về sản phẩm: Trong quá trình trộn, chúng em đã thử với hàm lượng bột nano UC khác nhau từ 2,5% - 5% thì thấy độ bền của vật liệu lý tưởng nhất là ở hàm lượng 4%. Sản phẩm hoàn thành, ứng dụng vào thực tế cho kết quả rất khả quan, chênh đến 12°C làm mát so với sơn thông thường.
Đồng hành, giúp học sinh nghiên cứu khoa học, thầy, cô giáo Trường THPT Chuyên Sơn La còn hỗ trợ học sinh đưa thử nghiệm sản phẩm đến Viện kỹ thuật Nhiệt đới (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) để kiểm tra độ mù muối và gia tốc thời tiết. Kết quả, cho thấy khả năng chịu thời tiết của sản phẩm rất tốt.
Thầy giáo Nguyễn Bình Long, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Khi nghe các em trình bày ý tưởng, chúng tôi hết sức ủng hộ và trực tiếp đồng hành, hướng dẫn các em. Hai em Bảo Long và Mỹ Anh luôn cháy bỏng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, chế tạo các sản phẩm hữu ích, có tính khả thi ứng dụng vào thực tiễn đời sống. Mong rằng, niềm đam mê sáng tạo và những thành tích đã đạt được sẽ là hành trang thôi thúc các em vững bước, thành công trên con đường nghiên cứu khoa học, tạo ra nhiều sản phẩm có tính ứng dụng rộng rãi, mang lại lợi ích cho xã hội.
Qua thử nghiệm sản phẩm cho thấy nhiệt độ chênh nhau hơn 10 độ C khi sử dụng sản phẩm.
Với khả năng ứng dụng và tính ưu việt cao, sản phẩm "Hệ sơn mát trên cơ sở vật liệu phát quang chuyển đổi ngược và sơn EPOXY” đã được Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng tỉnh lần thứ 5, năm 2021 trao giải Nhất lĩnh vực “Các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế”. Sản phẩm còn vinh dự được lựa chọn tham dự Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc lần thứ 17.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!