Những giáo viên ở vùng cao Xa Lú

“Khi thấy học trò đến lớp đầy đủ, được mặc ấm trong những ngày đông, biết đọc, biết viết, biết đùm bọc lẫn nhau, là niềm vui, niềm hi vọng và là những món quà mà chúng tôi mong đợi nhất”. Đó là chia sẻ của những giáo viên cắm bản tại điểm trường Xa Lú, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Chiềng Khừa (Mộc Châu).

 

Điểm trường Xa Lú, Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Chiềng Khừa (Mộc Châu) được đầu tư xây dựng kiên cố.

Từ trung tâm xã, chúng tôi ngược con dốc cheo leo, hiểm trở dài gần 10 km đến điểm trường Xa Lú, một bản đồng bào Mông ở vùng cao Chiềng Khừa. Thầy giáo Trần Văn Dĩnh, giáo viên cắm bản dẫn chúng tôi thăm các lớp học. Sự nền nếp, tiếng chào đồng thanh, rõ ràng của các em học sinh mới 6 - 8 tuổi khiến chúng tôi cảm nhận được nhiều nỗ lực trong việc dạy dỗ, rèn luyện học trò của thầy cô nơi đây. Trong câu chuyện với thầy Dĩnh, được biết, 22 năm công tác, thì đã có đến 20 năm thầy gắn bó với điểm trường Xa Lú. Những ngày đầu nhận công tác ở điểm trường năm 2000 là thời điểm thầy đối mặt với nhiều khó khăn nhất. Ngày đó, đường tới điểm trường toàn bộ là đường mòn; nhà lớp học phải dựng tạm bằng tranh tre; không có bàn ghế, các thầy, cô giáo phải đi huy động bà con trong bản góp những tấm ván để đóng thành bàn, chặt tre làm ghế, hoặc lót tấm bìa cho học sinh ngồi. Từ năm 2008 đến nay, cơ sở vật chất đã từng ngày được xây dựng kiên cố, trang thiết bị dạy và học cũng được đầu tư, giúp các thầy, cô và học trò thêm yên tâm để dạy và học.

Tại điểm trường còn có cô giáo Chu Thị Vân Anh, người cũng có thâm niên 19 năm gắn bó với học trò vùng cao, từng dạy ở nhiều điểm trường khó khăn, như bản Ông Lý, Xa Lú, Suối Đon... cách trung tâm xã từ 8 đến gần 20 km. Suốt thời gian công tác, phần lớn thời gian cô đều ở lại điểm trường, cả tháng mới về thăm nhà. Cô Vân Anh chia sẻ: Đường đến điểm trường là đường đất, các em học sinh lại còn nhỏ, nhiều em nhà xa không có người đưa đón, phải ở lại lớp vào buổi trưa. Do vậy, chúng tôi phải ở lại để trông các em. Có những học sinh không được gia đình chuẩn bị cơm trưa, chúng tôi lại dành dụm tiền, hoặc vận động các nhà hảo tâm đóng góp để nấu cơm cho các em ăn. Các thầy, cô còn gặp nhiều khó khăn do nhiều gia đình trong bản chưa quan tâm đến việc học của con cái, việc duy trì sĩ số học sinh đi học đều rất vất vả. Thêm nữa, học sinh ra lớp hầu như chưa biết tiếng phổ thông, nên khó tiếp thu kiến thức. Để khắc phục rào cản ngôn ngữ, chúng tôi chủ động học tiếng Mông để giao tiếp với bà con, vận động các gia đình cho trẻ đến trường, và để thuận lợi hướng dẫn, dạy chữ cho các em.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng niềm vui cũng luôn hiện diện mỗi ngày với các thầy, cô giáo nơi đây. Điểm trường Xa Lú có 3 thầy, cô giáo phụ trách từ lớp 1 đến lớp 3, với 35 em học sinh. Ban ngày dành hết thời gian cho học sinh trên lớp, tối đến, các thầy, cô giáo điểm trường Xa Lú còn kiêm công việc dạy xóa mù chữ cho chị em phụ nữ trong bản, mỗi lớp xóa mù chữ kéo dài hơn 1 năm. Với sự tâm huyết, nỗ lực của mình, các thầy, cô giáo chiếm trọn tình cảm của bà con. Thầy giáo Trần Văn Dĩnh chia sẻ thêm: Với chúng tôi, món quà ý nghĩa nhất là được đón học sinh đến lớp đầy đủ mỗi ngày. Dạy các em biết đọc, biết viết, giúp các em có những kiến thức cơ bản để sẵn sàng tới những lớp học cao hơn. Còn với những học viên lớp xóa mù chữ, chúng tôi mong các chị em biết đọc để có thêm kiến thức sản xuất áp dụng vào cuộc sống và quan tâm hơn đến việc học của con trẻ. Nhờ sự nỗ lực của những giáo viên nơi đây, tỷ lệ học sinh đến lớp đầy đủ của điểm trường Xa Lú luôn đạt trên 90%; 5 năm trở lại đây, điểm trường không có học sinh bỏ học. 20 học viên lớp xóa mù chữ năm nay cũng vừa hoàn thành khóa học với nhiều kết quả tích cực.

Chia tay điểm trường Xa Lú, chúng tôi mang theo mong ước của các thầy, cô giáo về một con đường đến trường của các em bớt gian nan. Chúng tôi tin rằng, với tâm huyết, trách nhiệm, yêu nghề và tình cảm dành cho học sinh, sự nghiệp “gieo chữ” của những giáo viên điểm trường Xa Lú nói riêng và các giáo viên vùng cao Chiềng Khừa nói chung sẽ có thêm nhiều thế hệ học trò khôn lớn, trưởng thành.

Lê Hạnh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới