Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi thu xếp công việc để lên với bản Nậm Khún, xã Mường Lèo (Sốp Cộp). Đến được bản phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ vượt quãng đường trên 30 km, lội qua 6 con suối lớn nhỏ. Cuộc sống của dân bản vốn dĩ đã khó khăn, nên việc dạy chữ của cán bộ, giáo viên còn khó gấp bội lần.
Thầy giáo Mùa A Thái dạy các em học sinh tập đọc chữ.
Một ngày trước khi lên Nậm Khún, trời mưa rất to. Thế nên, để đến bản nhanh nhất, chúng tôi chọn cách đi tắt từ bản Huổi Hịa của xã Nậm Lạnh, tránh đi thêm 60 km từ trung tâm xã Mường Lèo vào bản. Ngày trước, muốn tới Nậm Khún, phải đi bộ cả ngày trời, mà nếu mưa thì không thể lên bản được. Năm 2016, Đoàn 326 (Bộ CHQS tỉnh) đã mở con đường lên đây, nhưng do địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, sau những trận mưa lớn, mặt đường bị sạt lở, biến thành những vùng sình lầy, trơn trượt... rất khó đi. Bản Nậm Khún thành lập từ năm 2014, với 17 hộ, 96 nhân khẩu, tất cả đều là đồng bào Mông. Do ở độ cao gần 1.300m so với mực nước biển, từ tháng 5 đến tháng 10, khu vực này liên tục có mưa lớn, cứ khoảng 3 ngày lại mưa một trận. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đường sá xa xôi càng làm cho việc học của con trẻ thêm trắc trở. Khi biết chúng tôi lên thăm điểm trường Nậm Khún, thầy giáo Vì Văn Pành, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Lèo cũng vượt hơn 30 km từ trường trung tâm đến để đón chúng tôi.
Qua tìm hiểu, được biết, cả bản có 12 học sinh mầm non, 14 học sinh tiểu học được bố trí thành 2 lớp dạy ghép; điểm trường này có 2 giáo viên tiểu học và 1 giáo viên mầm non. Theo các giáo viên ở đây, việc học hành của con trẻ chưa được các bậc phụ huynh quan tâm; các vật dụng thiết yếu phục vụ dạy học rất hạn chế; nhà trường đã cùng ban quản lý bản vận động các cháu trong độ tuổi đến lớp, nhưng rất khó đảm bảo sỹ số bởi nhiều lý do. Các cháu thường nghỉ học mỗi khi trời mưa; nhiều hộ khi đi làm nương cho trẻ ở nhà trông nom nhau... vì thế, gần như ngày nào các thầy giáo cũng phải đến từng nhà đón các em đến lớp; lại thêm bất đồng ngôn ngữ, nhà trường đã phải phân công một thầy giáo dân tộc Mông hỗ trợ cho các giáo viên trong giao tiếp với các em học sinh và phụ huynh.
Chuyện trò với giáo viên tiểu học Mùa A Thái, tăng cường về bản từ tháng 1/2017, anh chia sẻ: Trước khi vào trường khai giảng năm học mới, mình mang lên một số thực phẩm, trong đó có 90 quả trứng, nhưng đi đường ngã hai lần nên trứng vỡ gần hết. Mình được phân công dạy lớp tiểu học và kiêm cả lớp xóa mù chữ. Ở đây, chỉ cần các em học đến lớp 4, biết đọc, biết viết và làm một số bài toán đơn giản là mừng lắm rồi. Khó nhất là dạy lớp xóa mù chữ, từ năm 2015 đến nay, đã mở 2 lớp, thu hút 30 người thường xuyên đi học; do quy định chỉ nữ giới đi học mới được hỗ trợ 100 nghìn đồng/buổi nên phần lớn nam giới đều bỏ học...
Trong số giáo viên ở đây, có lẽ thầy giáo Lò Văn Thưa gây cho chúng tôi nhiều ấn tượng nhất, bởi lẽ các giáo viên nữ không thể lên đây dạy học được nên anh được phân công dạy lớp mầm non. Anh bảo, năm học này, lớp mầm non của anh có 12 cháu, nhưng vừa học hôm đầu tiên đã vắng 4 cháu vì trời mưa. Phải thường xuyên đến những điểm xa nhất để đón các cháu đấy, đường sá khó khăn nên lo lắm. Nhiều hộ ở quá xa anh đón không xuể. Các cháu ở vùng này thiệt thòi lắm, đồ dùng học tập không có, bảng, bàn, ghế không đủ, đồ chơi thì 12 cháu cũng chỉ có 1 túi đồ chơi bé tý đã sử dụng nhiều năm. Thương các cháu mà chẳng biết làm thế nào.
Thầy giáo Pành cho biết thêm: Trường Tiểu học và Trường Mầm non Mường Lèo đều được đầu tư mua sắm các thiết bị phục vụ con trẻ học tập, nhưng chưa đủ, một số vật dùng còn không thể vận chuyển lên điểm trường Nậm Khún được. Năm ngoái, huyện Sốp Cộp đã huy động đoàn viên thanh niên vận chuyển vật liệu lên dựng nhà lớp học lắp ghép. Tuy nhiên, chưa có điện lưới, nước sinh hoạt, thực phẩm lại khan hiếm nên việc giảng dạy và học tập của thầy và trò nơi này chưa thoát khỏi hai chữ khó khăn.
Một đêm cùng với những giáo viên vùng cao Nậm Khún, cùng các thầy dùng bữa cơm với rau rừng, cá khô, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Sự nghiệp “gieo chữ” của những người thầy nơi đây sao quá nhọc nhằn, vất vả? Mong ước nho nhỏ của các thầy, giá như nơi đây, có sóng điện thoại, có điện lưới, có đường đi thuận tiện... thì con trẻ nơi đây đi học đều và bớt nhọc nhằn bao nhiêu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!