Nhọc nhằn mang chữ đến Chăm Hỳ

Đã nhiều lần đến với những điểm trường khó khăn nhất của huyện biên giới Sốp Cộp, nơi nào cũng để lại cho chúng tôi cảm xúc đặc biệt bởi sự nỗ lực vượt khó của cô và trò.

 

 

Điểm trường mầm non Chăm Hỳ

 

Trở lại xã biên giới Mường Lèo để thăm điểm trường mầm non Chăm Hỳ, trận mưa hôm trước khiến đường đến trường của cô trò trở nên nhọc nhằn, gập ghềnh. Sau gần 1 tiếng đồng hồ vật lộn với con đường lầy lội xuyên qua đại ngàn, căn nhà gỗ cũ kỹ, siêu vẹo nằm bên sườn núi, lẩn khuất trong đám cây rừng hiện ra trước mắt chúng tôi, nơi đó vang lên tiếng trẻ ê a mấy con chữ. Thấy người lạ đến, các cháu dừng đọc bài, khoanh tay chào rất lễ phép. Sau vài phút chờ kết thúc tiết học, cô giáo Lèo Thị Châm mới có thời gian dành cho chúng tôi. Gắn bó với học sinh vùng cao đã hơn 10 năm, ngoại trừ điểm trường trung tâm, còn lại tất cả 12 điểm trường khó khăn nhất vùng biên giới này cô giáo Châm đều in dấu chân.

 

Cô Châm kể: Nhà ở trung tâm xã Mường Lèo cách bản Chăm Hỳ 17 cây số đường rừng, hôm nào cũng phải dậy thật sớm để lo cho con cái rồi mới lên lớp từ lúc trời tờ mờ sáng. Ban ngày lo dạy chữ cho học sinh, đến lúc trả trẻ trời cũng xế chiều, hôm nào cũng tối mịt mới về đến nhà. Thời tiết ở đây khác hẳn vùng khác. Từ đầu năm học đến giờ gần như ngày nào cũng mưa, vì thế mà đường vào điểm trường chẳng có đoạn nào dễ đi cả. Quyết tâm bám trường lớp, nên mặc dù thời tiết xấu như vậy nhưng cô không nghỉ ngày nào. Bất kể trời mưa, khó đi thế nào cũng phải về, một phần vì con còn nhỏ, hơn nữa ở lại không có điện, nước sinh hoạt. Chăm Hỳ chỉ có 28 hộ, nhưng dân bản ở rải rác, không tập trung nên việc vận động học sinh ra lớp đầu năm học gặp rất nhiều khó khăn. Cả bản có 16 cháu trong độ tuổi ra lớp, nhưng có 2 cháu khiến cô giáo lo lắng nhất. Cháu Thào A Ly bị khuyết tật, chưa được ra lớp vì không có hộ khẩu và giấy khai sinh. Còn cháu Thào A Hai thì bố mẹ bỏ đi, để cháu cho bà nội nuôi dưỡng, nhưng do tuổi cao, không có khả năng lao động nên việc nuôi cháu vất vả lắm.

 

 

Cô giáo Lèo Thị Châm dạy vẽ cho cháu Thào A Hai và các bạn cùng lớp

 

Năm ngoái, các chú bộ đội ở Đội 6 (Đoàn 326) đã đón Thào A Hai về nuôi để đỡ phần vất vả cho cô giáo, nhưng bà nội nhớ cháu nên lại đến xin cháu về. Cơm ăn hằng ngày cho hai bà cháu bây giờ chủ yếu do dân bản góp mỗi nhà một ít. Riêng cô Châm thường xuyên mang thêm phần cơm trưa để ăn cùng A Hai. Nhà có bộ quần áo nào không dùng nữa cô cũng mang cho Hai và các học sinh khó khăn khác. Thỉnh thoảng cô cũng nhờ Đoàn xã vận động quyên góp gạo cho hai bà cháu. Việc thiếu đồ dùng học tập ở các điểm trường khó khăn vùng biên này là thường xuyên. Nhà trường cũng muốn phụ huynh đóng góp để mua đồ dùng học tập, nhưng vùng này ai cũng khó khăn, nên các cô giáo lại là người lo toan cho học sinh của mình. Người thì tự trích tiền lương mua, người thì gom phế liệu về tự chế đồ dùng học tập. Mùa đông đến, nhiều cháu không đủ quần áo mặc, cô giáo lại đứng ra vận động quyên góp quần áo ấm, giầy dép cho các cháu.

 

Cô giáo Lường Thị Kiên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Biên Cương, chia sẻ: Nằm trên địa bàn xã biên giới đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 35%. Trường có 12 điểm trường lẻ, với 18 nhóm lớp, 410 trẻ; có 29% học sinh thuộc hộ nghèo. Học sinh đông, nhưng chỉ có 26 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Dân cư ở đây sinh sống thưa thớt, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa. Cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn; trình độ dân trí thấp, các điểm trường lẻ vùng cao hầu hết chưa có điện lưới, thiếu thốn trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi; một số điểm trường lẻ còn phải sử dụng phòng học tạm, chưa có sân chơi bãi tập. Đa số các cháu là con em dân tộc thiểu số, ít giao tiếp tiếng phổ thông nên việc tiếp thu kiến thức của các cháu còn hạn chế, cha mẹ học sinh ít quan tâm đến việc học tập của con em mình, nhiều phụ huynh còn phó mặc việc chăm sóc, giáo dục trẻ cho nhà trường... Tuy khó khăn, nhưng công tác phổ cập giáo dục trẻ luôn đạt yêu cầu, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%.

 

Vừa về đến trung tâm xã, trời bỗng đổ mưa tầm tã. Chúng tôi không khỏi băn khoăn, lo lắng cho cô trò ở Chăm Hỳ. Mong rằng trong một ngày gần nhất, Chăm Hỳ sẽ có đường, lớp học được xây dựng kiên cố để sự nghiệp “cõng chữ” lên ngàn vơi bớt nhọc nhằn.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới