Chia sẻ về những ảnh hưởng của thuốc lá điện tử tới sức khỏe của người dùng, nhất là học sinh, sinh viên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết: Về cấu trúc bộ hút của thuốc lá điện tử gồm pin, công tắc, nút bấm, bộ chứa, bấc đốt cháy,…
Cấu trúc ban đầu tương đối ổn định, tuy nhiên càng về sau càng cải tiến cho phép người dùng hút bất cứ loại gì. Điều này rất nguy hại bởi có rất nhiều chất nguy hại không được kiểm định.
Thuốc lá điện tử được cấu trúc để có thể bốc cháy nhanh, ngày càng được cải biên với tốc độ mạnh và nhanh. Khi hóa chất được đốt cháy nhanh, đột ngột, liều cao sẽ tạo ra nhiều chất khác nhau khá nguy hiểm.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng nêu một số tác hại của thuốc lá điện tử để cảnh báo các phụ huynh học sinh như thuốc lá điện tử có thể chứa nicotin-là chất độc nặng, có trong thành phần thuốc trừ sâu, khi sử dụng sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thần kinh và gây nghiện.
Thuốc lá điện tử còn chứa nhiều chất phụ gia (tạo màu, tạo mùi…), có thể chứa ma túy. Thực tế, nhiều bạn trẻ hút xong thì bất tỉnh, có người đến bệnh viện trong tình trạng co giật cơ tim, chết não…
Vì vậy, phụ huynh cần quan tâm và để ý đến con cái. Chúng ta không nên đợi đến khi con cái có triệu chứng thì mới đi khám bởi khi đã xuất hiện triệu chứng là đã sử dụng quá nhiều, cơ thể, nội tạng đã bị tổn thương sâu.
Đồng thời, bác sĩ kêu gọi cần nhanh chóng có cách giải quyết mạnh mẽ đối với vấn đề sử dụng thuốc lá điện tử, nhất là trong trường học. Đã đến lúc không thể chủ quan, bởi số lượng bệnh nhân mới liên quan đến thuốc lá điện tử ngày càng tăng...
“Tôi mạnh dạn khuyến cáo phải làm sớm và làm ngay việc cấm lưu hành thuốc lá điện tử tại Việt Nam”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.
Ở góc độ nhà trường, thầy giáo Nguyễn Quốc Dương, Phó Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Nguyễn Công Trứ (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường cũng đã triển khai tuyên truyền, phổ biến về bộ tài liệu hướng dẫn phòng ngừa thuốc lá.
Để tăng cường hiệu quả, nhà trường không chỉ tuyên truyền một chiều mà tổ chức nhiều hoạt động để học sinh tự tìm hiểu, tự nhận thức, từ đó chính các em trở thành một tuyên truyền viên.
Ngoài ra, nhà trường tăng cường công tác rà soát, kiểm tra trong khuôn viên trường, nhất là tại các khu vực khuất; phân công giáo viên nam lưu ý khu vực nhà vệ sinh...
Những giải pháp xử lý cũng được nhà trường xây dựng như mời phụ huynh học sinh ký cam kết; tăng cường phối hợp với phụ huynh trong việc quản lý, hỗ trợ học sinh...
Tuy nhiên, việc phòng, chống thuốc lá điện tử trong trường học còn gặp không ít khó khăn bởi loại thuốc này dễ mua, khó phát hiện do được “ngụy trang” bằng nhiều hình thức.
Đứng dưới góc độ tâm lý, Thạc sĩ Đỗ Trần Phương Anh cho biết: Vấn đề thuốc lá điện tử không riêng ở Việt Nam, không chỉ trong học sinh, sinh viên mà cả người lớn.
Khi các loại chất cấm, chất gây nghiện dưới những hình thức mới lạ, thậm chí là trá hình dễ gây nhầm lẫn khi người sử dụng chưa được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như kỹ năng để tự bảo vệ bản thân. Đây là nguyên nhân khiến chất cấm, chất gây nghiện vẫn có thể len lỏi vào trong môi trường học đường.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại 127 thành phố Hà Nội nhận định: Tác hại của thuốc lá điện tử đối với học sinh là rất lớn, liên quan đến sức khỏe, nòi giống...
Ứng phó với thuốc lá điện tử phải được làm triệt để, từ khâu sản xuất, vận chuyển, buôn bán, giao dịch, tàng trữ… Có “cầu” sẽ có “cung” và ngược lại, nên phải chặn cả hai phía và cần sự vào cuộc của nhiều lực lượng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!