Người thầy “truyền lửa” đam mê thể thao học đường

17 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, thầy giáo Hà Anh Cương, giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng an ninh, Tổ trưởng Tổ Thể dục - Ngoại ngữ, Trường THPT Yên Châu (Yên Châu) đã truyền nhiệt huyết thể thao đến các em học sinh, đào tạo được nhiều vận động viên tài năng, mang về hàng trăm tấm huy chương tại các giải thể thao cấp huyện, tỉnh và quốc gia.

Tổ trưởng chuyên môn nhiệt huyết

Sinh năm 1980 tại xã Chiềng Pằn, “cái nôi” thể thao của huyện Yên Châu, với niềm đam mê thể thao từ khi còn trên ghế nhà trường, sau khi học xong cấp III, cậu học trò Hà Anh Cương quyết định thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Thể dục Trung ương số 1 (nay là trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội). Tốt nghiệp ra trường, thầy Cương về công tác tại Trường THPT Yên Châu cho đến nay. Bằng tâm huyết, tình yêu nghề, trong suốt 17 năm công tác, thầy Cương luôn trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để mỗi tiết dạy của mình luôn lôi cuốn, hấp dẫn, khơi dậy niềm đam mê thể thao đối với các em học sinh. Là Tổ trưởng Tổ Thể dục - Ngoại ngữ, thầy Cương luôn đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học và có nhiều sáng kiến kinh nghiệm hay tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng các môn thể thao tại trường (từ năm 2010 đến nay, thầy cương có 1 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh và 10 sáng kiến cấp cơ sở). Các sáng kiến của thầy Cương đều được áp dụng vào quá trình công tác đạt hiệu quả cao. Thầy Cương thường xuyên khuyến khích các thành viên trong tổ đề cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn trong việc soạn, giảng, nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh… Nhờ đó, Tổ Thể dục - Ngoại ngữ nhiều năm liền được công nhận Tập thể lao động xuất sắc, vinh dự được nhận Bằng khen của UBND tỉnh, góp phần vào thành tích chung của nhà trường.

Đưa môn thể thao dân tộc phát triển

Qua cuộc trò chuyện, thầy Cương không nói nhiều về bản thân nhưng khi được hỏi về phong trào thể dục thể thao của nhà trường, thầy cởi mở, say sưa kể. Theo thầy Cương, lâu nay, giáo dục thể chất trong nhà trường vẫn bị “mặc định” là môn phụ; thầy luôn suy nghĩ phải làm sao để các hoạt động thể dục thể thao trong nhà trường khiến học sinh đam mê, trở thành sở thích để các em rèn luyện, nâng cao sức khỏe. Thầy Cương đã tham mưu với Ban Giám hiệu thành lập CLB thể thao với nhiều bộ môn theo đúng sở thích, năng khiếu của các em; tham mưu tổ chức các giải thi đấu các môn thể thao giữa các lớp, khối lớp, liên chi đoàn, tạo thành phong trào thi đua luyện tập, thi đấu sôi nổi trong nhà trường. Từ năm 2006 trở về đây, dưới sự hướng dẫn của thầy Cương, CLB Điền kinh của trường đã gặt hái nhiều thành tích, luôn đoạt giải Nhất toàn đoàn ở các giải điền kinh học sinh truyền thống do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Từ CLB thể thao do thầy Cương khởi sướng sáng lập, thể thao tỉnh nhà đã phát hiện ra tài năng VĐV Quàng Thị Thu Nghĩa, sau này trở thành cô gái vàng Pencak Silat của thể thao Việt Nam. Cũng trong thời điểm này, các môn thể thao dân tộc chưa được quan tâm, chỉ được tập luyện như các trò chơi tham gia các hoạt động ngoại khóa. Vì vậy, kết quả tham gia các giải thể thao dân tộc của trường rất thấp, hầu hết không có giải. Thầy Cương trăn trở, làm sao để môn thể thao dân tộc tạo được hứng thú cho các em học sinh lại vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. 

 

Thầy Hà Anh Cương được Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tặng bút tại Lễ tôn vinh Nhà giáo của năm năm 2019.

Ảnh nhân vật cung cấp

Tìm hiểu thấy đặc trưng của các môn thể thao dân tộc không cần nhiều kinh phí đầu tư, đã được đưa vào thi đấu trong các giải từ cấp xã đến quốc gia. Thầy Cương đã chủ động tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm những nơi có thành tích tốt là Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bắc Giang. Năm 2015, thầy tham mưu cho Ban Giám hiệu thành lập CLB các môn thể thao dân tộc (chủ lực là môn kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ), thường xuyên duy trì tập luyện, tham gia thi đấu đạt thành tích cao trong các giải thể thao của ngành Giáo dục - Đào tạo và các cấp tổ chức. Không chỉ dừng lại đào tạo trong trường, thầy Cương còn tìm kiếm, lựa chọn và trực tiếp huấn luyện cho nhiều học sinh trên địa bàn huyện.

 

 

Thầy Cương huấn luyện cho các VĐV CLB các môn thể thao dân tộc.

Thầy Cương chia sẻ: Số học sinh trong trường chiếm hơn 90% là người dân tộc thiểu số, nên khi CLB được thành lập thu hút được đông đảo các em học sinh có năng khiếu tham gia, được các bậc phụ huynh ủng hộ nhiệt tình. Nhiều phụ huynh sẵn sàng hỗ trợ mua dụng cụ phục vụ tập luyện, một số cá nhân hảo tâm làm trong ngành thể thao ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng ủng hộ thêm quần áo, giầy thể thao cho CLB. Đây cũng chính là niềm động viên khích lệ để thầy trò tập luyện, tham gia thi đấu tốt hơn.

15 giờ chiều, chúng tôi có mặt tại sân Trường THPT Yên Châu đúng lúc thầy Cương đang hướng dẫn cho các thành viên CLB tập luyện chuẩn bị tham gia thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng của tỉnh. Nhìn thầy chỉ dạy kỹ càng từng chi tiết nhỏ nhất, mồ hôi nhễ nhại, quần áo lấm lem mới thấy lòng nhiệt tình, tâm huyết của thầy. CLB hiện có 160 thành viên (80 VĐV mũi nhọn chuyên tham gia thi đấu), chiếm đến một nửa là VĐV đang học bậc THCS, đặc biệt có khá đông thành viên nữ, nhiều em ở các bản, xã cách xa trường nhưng luôn có mặt đông đủ, bất kể nắng mưa. Em Quàng Thị Thu Nguyệt học sinh lớp 9A, Trường THCS Chiềng Pằn tâm sự: Nhà em cách đây 7 km, khi biết các anh, chị khóa trên tham gia CLB được thi đấu đoạt nhiều huy chương, em thích lắm! Được thầy Cương lựa chọn và hướng dẫn tận tình, em sẽ cố gắng trau dồi luyện tập để khi học lên THPT em được tham gia các giải thi đấu thể thao, hy vọng sẽ mang lại thành tích cao cho bản thân và nhà trường.

Những nỗ lực được đền đáp

Qua nhiều năm miệt mài, đam mê đào tạo, không phụ sự mong mỏi, nỗ lực huấn luyện của thầy Cương, các thế hệ học sinh trong CLB được thầy Cương huấn luyện đạt khoảng 400 huy chương các loại tại các giải thể thao cấp huyện, tỉnh và quốc gia. Chỉ tính riêng trong giai đoạn năm 2015 - 2020, các VĐV từ lò đào tạo của thầy Cương đã mang về cho ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh gần 190 tấm huy chương vàng, bạc, đồng (trong đó có 24 huy chương cấp quốc gia) tại các Giải: Giải vô địch đẩy gậy toàn quốc lần thứ XIII và Giải vô địch kéo co toàn quốc năm 2019 tại Vĩnh Phúc; Hội khỏe Phù đổng toàn quốc năm 2016… Từ không có tên tuổi, luôn đứng hạng thấp qua các kỳ thi đấu các môn thể thao dân tộc, giờ đây các môn thể thao dân tộc của ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh nhà đã khẳng định được vị thế, luôn giành giải nhì, ba chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh và Bắc Giang. Đặc biệt, những năm gần đây khi tham gia Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc khu vực I (gồm các tỉnh thuộc miền Bắc và Bắc Trung bộ) tỉnh Sơn La đều đứng thứ nhất, thứ nhì. Thành tích đó có được phải kể đến sự đóng góp “chủ công” của thầy Cương. Bên cạnh đó, thầy còn tham gia làm trọng tài, phụ trách các màn đồng diễn; bản thân cũng tham gia thi đấu, góp sức thành công của các giải đấu.

 

Thầy giáo Phạm Minh Thế, Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: Thầy Hà Anh Cương, là giáo viên giỏi, gương mẫu, trách nhiệm, có kinh nghiệm chuyên môn vững vàng. Con người đặc biệt này đã khơi dậy niềm đam mê thể thao, bồi đắp quyết tâm và rèn luyện bản lĩnh cho học sinh.

Một giờ dạy Giáo dục thể chất của thầy Cương.

17 năm miệt mài huấn luyện, những cống hiến của thầy Hà Anh Cương đã được các cấp, ngành ghi nhận. Thầy nhận nhiều Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh, Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Năm 2019, thầy được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh Nhà giáo của năm. Năm 2020, thầy là 1 trong 2 đại diện tiêu biểu của tỉnh Sơn La được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc ngành Giáo dục lần thứ VII. Với những thành tích đã đạt được, thầy Cương đang được đề nghị xét tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo ưu tú. Đây là động lực để thầy Cương tiếp tục phát huy sở trường của bản thân, góp thêm những thành tích cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà. 

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới