Người “gieo chữ Thái” bên dòng Đà giang

Khi những cành đào bung nở đón xuân sang, chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với ông Lừ Văn Chiến, ở xóm 5, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) - người “gieo chữ Thái” bên dòng Đà giang.

Ông Lừ Văn Chiến, xóm 5, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) truyền dạy chữ Thái cho con trẻ.

Học sinh của lớp tiếng Thái có nhiều lứa tuổi, nhưng họ đều có chung niềm đam mê văn hóa dân tộc. Điều đáng trân trọng là các lớp học của ông đều miễn phí. Mái tóc bạc phơ, ánh mắt đôn hậu, giọng nói trầm ấm của thầy giáo Chiến rất có sức lôi cuốn học sinh. Em Lừ Nhật Vi, học sinh lớp 4, Trường tiểu học Kim Đồng, xã Mường Giàng, khoe: Tranh thủ ngày nghỉ, chúng cháu đến học chữ và được ông tận tình dạy bảo. Bây giờ em đã có thể viết, đọc thông thạo tiếng Thái. Ngoài học chữ, chúng cháu còn được ông kể về những nét văn hóa truyền thống, những bài thơ, câu tục ngữ của dân tộc Thái. Chúng em càng tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình...

Trong nếp nhà sàn truyền thống này, rất nhiều người được ông Chiến truyền dạy để biết đọc, biết viết chữ Thái thành thạo. Sau giờ học, ông Chiến kể cho chúng tôi về niềm đam mê với chữ viết của dân tộc mình. Ông sinh năm 1945, gia đình có bố mẹ đều thông thạo chữ viết và là những người hát dân ca Thái có tiếng trong vùng thời bấy giờ. Có lẽ vì thế mà những câu chuyện về bản mường, những giai điệu mượt mà của các làn điệu dân ca, những bài hát Thái đã ngấm vào ông từ lúc còn nhỏ. Đặc biệt, cha mẹ của ông rất quan tâm đến việc truyền dạy cho các con trong gia đình chữ viết của dân tộc Thái.

Nhấp ngụm trà, ông Chiến kể tiếp: Còn nhỏ, tôi đã được học chữ Thái. Tôi thích lắm! Ở lớp được học chữ, về nhà nghe cha kể chuyện sinh đất, lập mường, đọc những câu ca dao, thành ngữ của người Thái mang đậm tính giáo dục đạo lý làm người, khiến tôi ngày càng say mê học tập. Tôi nghĩ, giữa cuộc sống hối hả với sức hút của nhiều luồng văn hóa mới như hiện nay, mà không lưu giữ tiếng nói và chữ viết của dân tộc, thì rất dễ bị lãng quên.

Trăn trở, lưu truyền tiếng nói và con chữ dân tộc Thái. Năm 2002, ông Chiến đã nghiên cứu, biên soạn cuốn sách phục vụ việc học chữ Thái chia theo từng cấp bậc, từ học vần, tập đọc; hướng dẫn thực hành viết các đoạn văn ngắn và các kỹ năng đọc. Năm 2007, ông vinh dự được mời tham gia mạng lưới bảo tồn chữ Thái ở Việt Nam, do Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tri thức bản địa các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức (thuộc tổ chức phi chính phủ REDD). Ông được đi thực tế tại nhiều tỉnh có đồng bào dân tộc Thái sinh sống để nghiên cứu về chữ Thái. Việc tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, sau đó đã thống nhất được bộ chữ Thái Việt Nam để triển khai giảng dạy như hiện nay. Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chứng nhận chữ viết cổ của người Thái Sơn La được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ông Chiến.

Năm 2008, ông bắt đầu mở các lớp dạy chữ Thái. Ban đầu lớp học chỉ có 3 người, về sau nhiều người đến xin học, có thời điểm lớp có trên 100 học viên. Mỗi khi mùa xuân về, niềm hạnh phúc lớn nhất của ông là nhiều học trò vẫn nhớ thầy, đến thăm chúc ông sức khỏe và đã có những học trò giờ đây tiếp bước ông, tiếp tục truyền dạy tiếng nói, chữ viết, văn hóa Thái. Khi chúng tôi hỏi về động lực khiến ông say mê nghiên cứu, bảo tồn, truyền dạy chữ Thái, ông Chiến cười đôn hậu: Niềm vui lớn nhất của tôi chính là chữ Thái đã có vị trí ngày càng quan trọng trong đời sống người dân. Cấp ủy, chính quyền và bà con đã thực sự chung sức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của người Thái. Còn sức khỏe, tôi còn tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và truyền dạy văn hóa Thái.

Xuân mới, xin được kính chúc ông luôn mạnh khỏe để thực hiện đam mê bảo tồn, trao truyền văn hóa, lịch sử, chữ viết của đồng bào dân tộc Thái, giúp văn hóa Thái như dòng suối chảy mãi, hòa quyện cùng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới