Nền tảng học trực tuyến Công dân số - “mở” và “miễn phí” cho mọi người

Nền tảng học trực tuyến www.congdanso.edu.vn chính thức ra mắt, cung cấp sáu khóa học kỹ năng số cơ bản theo hình thức các khóa học đại trà trực tuyến mở và miễn phí tới mọi người, đặc biệt hướng đến đối tượng là lao động nữ di cư.

Chiều 18/8, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Việt Nam, Tập đoàn Microsoft Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt chính thức nền tảng học trực tuyến www.congdanso.edu.vn thuộc dự án “Tăng cường cơ hội tiếp cận đào tạo kỹ năng số cho lao động trẻ tại Việt Nam” giai đoạn 2020 – 2021.

Dự án là một phần của Sáng kiến Kỹ năng Toàn cầu (GSI) do Microsoft khởi động vào năm 2020, với mục tiêu giải quyết những thách thức đang gia tăng đối với vấn đề việc làm trong bối cảnh bị tác động bởi đại dịch Covid-19.

Theo đó, nền tảng học trực tuyến www.congdanso.edu.vn cung cấp sáu khóa học kỹ năng số cơ bản theo hình thức các khóa học đại trà trực tuyến mở và miễn phí (MOOCs) cho mọi người, đặc biệt hướng tới những lao động nữ di cư.

Nền tảng được thiết kế để người học dễ dàng truy cập, dễ dàng thao tác và dễ dàng học tập. Người học sau khi học xong các học phần và vượt qua bài kiểm tra kiến thức sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học do Microsoft Việt Nam và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp công nhận.

Nền tảng học tập trực tuyến này được xem là một phần đóng góp quan trọng vào việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về chuyển đổi số được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành trong Quyết định số 749/QD-TTg năm 2020 về việc đào tạo kỹ năng số cho lực lượng lao động trẻ nói riêng và công dân Việt nam nói chung.

Trong giai đoạn thí điểm, nền tảng hướng đến 3.000 lao động di cư và sinh viên học nghề tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, với nhu cầu được đào tạo kỹ năng số trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường lao động trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghệ 4.0.

Tại lễ ra mắt, bà Park Mihyung – Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam cho rằng,  đại dịch Covid-19 ở Việt Nam trong thời gian qua đã làm trầm trọng nỗi khó khăn của những người lao động di cư và đẩy họ từ người có việc làm chính thức sang lao động phi chính thức (lao động tự do).

Dư chấn tác động của đại dịch Covid-19 đối với những người lao động này sẽ còn tiếp tục trong một thời gian dài do cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước và toàn cầu. Những lao động này cần có được những cơ hội để có thể thích nghi với một thế giới thay đổi nhanh chóng và một cục diện việc làm mới.

“Nền tảng học tập kỹ năng số này mới chỉ là một bước khởi đầu, và tôi mong rằng nền tảng này sẽ được phổ biến để đến được với nhiều người dân, sinh viên, học sinh, người lao động, nhóm yếu thế...” – bà Park Mihyung nhấn mạnh.

Chia sẻ về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, việc này đặt ra yêu cầu cho giáo dục nghề nghiệp không những đào tạo mới chất lượng cao cho học sinh, sinh viên học các trình độ giáo dục nghề nghiệp tại các trường mà còn là việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức kỹ năng cho người lao động để họ thích nghi với công nghệ mới hoặc đối phó với mất nghề, chuyển nghề do tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và đối tượng này có số lượng rất lớn, nhất là các kỹ năng số, kỹ năng cốt lõi như kỹ năng cảm xúc, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản trị doanh nghiệp...

Chính vì thế, nền tảng này cần được sự tham gia, đón nhận của đông đảo lực lượng lao động. Với sự ra mắt của nền tảng học tập tập trực tuyến www.congdanso.edu.vn, tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm hàng nghìn người dân Việt Nam được trang bị những kỹ năng số cần thiết, góp phần bảo đảm cho họ có được một tương lai vững chắc hơn.”

Theo Microsoft Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã khiến hàng chục triệu người bị mất việc và tạo ra một thách thức rất lớn cho lực lượng lao động cũng như các nhà tuyển dụng trên thế giới. Sau một năm triển khai Sáng kiến Kỹ năng Toàn cầu, tính đến đầu năm 2021, Microsoft đã giúp được hơn 30 triệu người tại 249 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tiếp cận được các kỹ năng số, trong đó hơn 60.000 người đến từ Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới