Chủ trương nấu ăn tập trung tại các trường phổ thông cho học sinh bán trú sau hơn 3 năm triển khai đã thực sự đi vào cuộc sống. Với sự quan tâm của các cấp, các ngành và nhân dân đã tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đến trường.
Giờ ăn của học sinh Trường PTDT bán trú THCS Nà Khoang, xã Mường Và (Sốp Cộp).
Học sinh bán trú hầu hết là con em dân tộc vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em nhà ở cách xa trường lại phải tự lo sinh hoạt, sau mỗi buổi học phải tự lên rừng kiếm củi, lấy rau rừng về nấu ăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì sỹ số và nâng cao chất lượng giáo dục. Trước thực trạng đó, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, cuối năm học 2012-2013, Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với huyện Bắc Yên tổ chức thí điểm mô hình nấu ăn cho học sinh bán trú tại Trường PTCS xã Háng Đồng. Đây là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Yên với 100% đồng bào dân tộc Mông, trình độ dân trí còn hạn chế, giao thông đi lại khó khăn... Sau khi tổ chức nấu ăn, tình trạng học sinh bỏ học được khắc phục; các em có nhiều thời gian học bài và làm bài trước khi lên lớp, kết quả học tập được nâng lên; chất lượng bữa ăn, sức khỏe của học sinh cũng bảo đảm hơn.
Từ mô hình của xã Háng Đồng, kết thúc năm học 2012-2013, Sở Giáo dục - Đào tạo đã chỉ đạo phòng giáo dục - đào tạo các huyện khảo sát cơ sở vật chất, số lượng học sinh bán trú; nhân rộng mô hình nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú, ngay trong năm học 2013-2014 đã có 131 trường tổ chức nấu ăn tập trung với tổng số 13.358 học sinh ăn bán trú tại trường. Năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh đã có 228 trường phổ thông tổ chức nấu ăn tập trung với 27.432 học sinh. 3 năm qua, toàn tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp 124 nhà ở bán trú, 222 nhà bếp, 65 nhà ăn, 25 nhà vệ sinh, 19 công trình nước sạch, khoan 17 giếng nước, 148 giường nằm cho học sinh; cơ bản các trường tổ chức nấu ăn tập trung bán trú đã có đầy đủ đội ngũ nhân viên nấu ăn, bảo vệ, chăm sóc y tế học đường với hơn 1.000 người.
Có được kết quả này, thể hiện sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của hệ thống chính trị. Để việc nấu ăn cho học sinh trong các trường phổ thông có học sinh bán trú đi vào nền nếp, có chất lượng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, có chính sách hỗ trợ cụ thể, sát thực tế và khả năng của địa phương, đây là cơ sở quan trọng để ngành Giáo dục - Đào tạo, các địa phương tổ chức thực hiện tốt chương trình. Cùng với đó là sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân đã đóng góp hàng nghìn ngày công, hơn 22 tỷ đồng để làm nhà bếp, tu sửa cơ sở vật chất, giúp đỡ, tạo điều kiện để các trường thực hiện tốt việc tổ chức nấu ăn tập trung. Các nhà trường còn tổ chức tăng gia sản xuất, trồng rau xanh, chăn nuôi, cải thiện bữa ăn cho học sinh. Qua 3 năm, các trường đã trồng, thu hoạch 125 tấn rau xanh các loại, nuôi 4.257 con gia cầm, 134 con lợn... từng bước chủ động rau xanh, cải thiện bữa ăn, giáo dục ý thức lao động cho học sinh.
Bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bắc Yên cho biết: Quá trình triển khai, tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú ở các trường có sự giám sát, kiểm tra của giáo viên, chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh. Nhờ vậy, bữa ăn của học sinh được cải thiện; học sinh đi học chuyên cần hơn, chất lượng giáo dục được nâng lên; học sinh đoàn kết gắn bó hơn trong sinh hoạt tập thể, được phụ huynh và nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ cao.
Còn thầy giáo Phạm Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Nà Khoang, xã Mường Và (Sốp Cộp) chia sẻ: Việc nấu ăn giúp các em có thời gian tập trung học tập hơn, xóa bỏ được những mặc cảm, tự ti trong cuộc sống và tình trạng bỏ học. Đặc biệt, là sức khỏe của các em được đảm bảo, kết quả học tập được nâng lên và phụ huynh yên tâm khi con em đi học xa nhà.
Trao đổi với ông Trương Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo được biết: Thời gian tới, ngành tiếp tục chỉ đạo phòng giáo dục - đào tạo các huyện, thành phố duy trì các trường đang thực hiện nấu ăn tập trung bán trú, mở rộng, thêm một số trường ở những nơi có điều kiện, tổ chức bán trú gắn với nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Từng bước giảm dần tỷ lệ học sinh yếu, kém, học sinh bỏ học giữa chừng. Đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn, chương trình dự án đầu tư cơ sở vật chất, từng bước đáp ứng yêu cầu tổ chức thực hiện nấu ăn tập trung bán trú lâu dài.
Chủ trương nấu ăn cho học sinh bán trú đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần tiếp sức cho con em các bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới đến trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!