Sau lễ khai giảng năm học mới 2022-2023, nhiều cơn mưa lớn dài ngày, khiến việc dạy và học ở các bản vùng cao xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, nhọc nhằn hơn bội phần. Vượt lên khó khăn, những giáo viên nơi đây vẫn kiên trì bám bản, bám lớp, vì tương lai con trẻ.
Điểm trường mầm non bản Hua Lạnh.
Cô giáo Tòng Thị Hà kể: "Hằng ngày, khi đồng hồ báo thức 5 giờ sáng, em dậy chuẩn bị đồ đạc để lên lớp. Chiếc xe máy cũ là bạn đồng hành với em xuyên màn mưa, vượt con đường gập ghềnh đến lớp với học sinh". 27 cây số đường rừng là con đường từ nhà ở trung tâm xã Nậm Lạnh đến bản Hua Lạnh mà cô giáo Hà phải vượt qua hằng ngày đã nhiều năm nay. Năm nào cũng vậy, trước năm học mới, cô cùng các giáo viên khác lại lên những bản vùng cao làm công tác tuyên truyền, vận động đưa trẻ đến lớp. Cô Hà tâm sự thêm: "Thời gian đó hầu như năm nào trời cũng mưa, khiến việc đi lại khó khăn. Dù gắn bó với con đường lên bản nhiều năm nay, nhưng không ít lần chúng tôi bị trượt ngã. Vất vả như vậy, nhưng vì học sinh thân yêu nên chúng tôi luôn nỗ lực vượt qua". Năm nay, điểm trường Hua Lạnh có 2 lớp với 55 trẻ ở các độ tuổi từ 3-5 tuổi, 100% các cháu thuộc diện hộ nghèo.
Cô giáo Quàng Thị Hồng, dạy tại điểm trường Huổi Hịa, cách trung tâm xã gần 30 cây số đường rừng, điểm trường này cũng vất vả như điểm trường Hua Lạnh. Cô Hồng chia sẻ: Năm học này, điểm trường có 1 lớp học với 32 học sinh. Cơ sở vật chất ở điểm trường còn nhiều khó khăn lắm, nằm cách xa trung tâm, đường đi lại gập ghềnh. Trời cứ mưa thế này, thì cuối tuần giáo viên mới về nhà 1 lần, nhiều khi mưa to thì phải chờ trời tạnh mới về được.
Do địa bàn còn nhiều khó khăn, mỗi dịp bước vào năm học mới, Ban Giám hiệu nhà trường đều tham mưu với chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực hỗ trợ nhà trường trong việc vận động học sinh ra lớp, chuẩn bị cho khai giảng và công tác xã hội hóa tu sửa, làm tường rào bao quanh các điểm để đón trẻ. Phụ huynh học sinh cũng tích cực tham gia cùng các giáo viên lao động dọn dẹp, phát quang cỏ xung quanh lớp học và sân trường, cắt tỉa cây, khơi thông cống rãnh xung quanh lớp học, trang trí lớp học phù hợp.
Anh Vừ A Khua, bản Huổi Hịa, cứ vào đầu năm học mới anh đều vận động phụ huynh khác cùng tham gia dọn dẹp lớp học cùng các cô giáo. Anh Khua chia sẻ: Dân bản còn nhiều khó khăn lắm. Chúng tôi chỉ mong con cháu trong bản được đến trường, học được cái chữ để sau này có kiến thức phục vụ cuộc sống.
Việc vận động trẻ đến lớp thực sự là trở ngại lớn đối với các giáo viên. Cái nghèo ở vùng cao này đã kéo theo nhiều thứ trở nên khó khăn, vất vả hơn. Người dân mải lên nương kiếm sống nên không có nhiều thời gian chăm lo cho con cái. Việc học hành của con trẻ đều phó mặc cho cô giáo. Nhiều giáo viên phải đi quyên góp quần áo hoặc trích một phần tiền lương để tự mua quần áo cho các em ấm hơn về mùa đông.
Cô giáo Lò Thị Dươi, Hiệu trường nhà trường, chia sẻ: Mấy năm nay, trường được qua tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, như lớp học, bàn ghế, đồ dùng học tập... Toàn trường hiện có 20 phòng học kiên cố, nhưng còn 2 điểm trường Hua Lạnh, Cang Kéo chưa có đồ chơi ngoài trời; giao thông đến một số điểm vùng cao là đường đất, đi lại rất vất vả. Nhà dân nằm rải rác, cách xa lớp học, nên việc huy động trẻ ra lớp còn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của nhà trường.
Đường đến trường của các cô giáo mầm non điểm trường Hua Lạnh.
Ảnh: Lò Thị Dươi (Sốp Cộp)
Bước vào năm học mới 2022 - 2023, Trường mầm non Ban Mai, xã Nậm Lạnh, có 27 cán bộ giáo viên; 15 nhóm lớp, với 382 học sinh; trong đó, nhóm trẻ 1 lớp, 63 học sinh, mẫu giáo có 14 lớp với 314 học sinh. Điều đáng mừng, tỷ lệ huy động trẻ từ 0-2 tuổi đạt 26,1%; tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi đạt 99,4%, cao hơn nhiều so với những năm trước.
Một năm học mới đã đến, trước sự vất vả của cô và trò ở những điểm trường vùng sâu, vùng cao, vùng biên giới của huyện Sốp Cộp, rất mong cấp ủy, chính quyền các cấp có những chính sách hỗ trợ, để những giáo viên vùng cao thêm nghị lực, ngày ngày cần mẫn gieo chữ cho trẻ em.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!