Năm 2023, ngoài phương án dùng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thí sinh còn có thể tham dự rất nhiều các kỳ thi riêng đã được công bố như: Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội; Đánh giá năng lực của Trường đại học Sư phạm Hà Nội; Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh… Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh trao đổi về kỳ thi riêng do nhà trường tổ chức vào tháng 5 tới đây.
Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh. |
Phóng viên: Lý do nào Trường đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực để tuyển sinh đại học chính quy năm 2023, phải chăng các kỳ thi do đơn vị khác tổ chức chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà trường, thưa ông?
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh: Các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường đã làm rất tốt. Tuy nhiên, không có một phương thức nào tốt tuyệt đối, mỗi phương thức đều có ưu điểm và nhược điểm. Trường đại học Sư phạm Hà Nội đưa ra phương thức riêng thích hợp với việc tuyển sinh của nhà trường và cho một số cơ sở đào tạo khác. Chúng ta biết rằng đến năm 2025 là những học sinh trung học phổ thông hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông 2018, nên cần thiết phải xác định kỳ thi tuyển sinh thích hợp.
Tổ chức thi Đánh giá năng lực là lộ trình để tiến đến năm 2025 Trường sẽ có bước chuyển thích ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Khi các em chưa được hoàn toàn dạy theo phương thức tiếp cận năng lực thì chúng ta cần có lộ trình cụ thể. Tổ chức thi Đánh giá năng lực là lộ trình để tiến đến năm 2025 trường sẽ có bước chuyển thích ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới. Thêm nữa, là cần bảo đảm không gây xáo trộn những cách thức thí sinh đã quen, không gây ra phức tạp trong xã hội.
Phóng viên: Làm thế nào để nhận diện được kỳ thi Đánh giá năng lực khối các trường sư phạm, thưa ông?
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh: Nhận diện đầu tiên là qua hai phần trắc nghiệm và tự luận trong cấu trúc đề thi. Phần trắc nghiệm liên quan đến thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Tuy nhiên, khác biệt nằm ở phần tự luận. Thí sinh giỏi nhưng để ra dạy học thì một trong các khả năng đầu tiên là biết trình bày. Hiểu và giảng giải cho người khác hiểu, đấy là tín hiệu cần thiết với một sinh viên để sau này trở thành một nhà giáo.
Phóng viên: Thưa ông, có phải thêm một kỳ thi là thí sinh thêm một áp lực học và luyện thi hay không? Để chuẩn bị tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường đại học Sư phạm Hà Nội, các em có cần học thêm không?
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh: Xin nhắn với thí sinh và phụ huynh là không cần học thêm. Trong đề thi của các môn thi có 2 phần: trắc nghiệm và tự luận. Đối với những môn chung, phần trắc nghiệm chiếm 70%, lý do thí sinh khi thi phổ thông thì chủ yếu là thi trắc nghiệm. Cách thức này không có gì lạ lẫm đối với thí sinh. Riêng môn Văn tự luận 70%, trắc nghiệm 30%. Thí sinh hiểu và trình bày để người khác hiểu, đây là một trong những điều cần thiết đối với người sau này trở thành giáo viên. Đối với một số tổ hợp, thí sinh lựa chọn các môn sao cho phù hợp với mình.
Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỷ lệ điểm phù hợp tùy theo bài thi, bao gồm các câu hỏi đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Cấu trúc các bài thi Đánh giá năng lực khối các trường sư phạm năm 2023. |
Điểm nữa là kiến thức đề thi đều nằm trong chương trình nên thí sinh không phải lo lắng. Tuy nhiên, các em lưu ý đề ra theo các mức độ nhận biết, vận dụng, vận dụng cao và thông hiểu. Thí sinh cần ôn tập cẩn thận và có sự lưu ý để làm được bài.
Phóng viên: Trường có tính đến khả năng giảng viên là những người ra đề liên kết với các “lò luyện thi” không?
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh: Trước hết, cần nhắc lại là thí sinh không cần phải đi học thêm tại “lò luyện”. Thứ hai, quy trình ra đề thi được thực hiện chặt chẽ. Các thầy cô tham gia ra đề được trường tập trung độc lập. Sau đó là khâu việc thẩm định cũng hoàn toàn độc lập để có ma trận đề thi.
Thí sinh không cần phải đi học thêm tại “lò luyện”
Tiếp đến, một đội ngũ khác tập hợp chọn trên hệ thống khác nhau và thử nghiệm tại các trường phổ thông, rồi đến bước chuẩn hóa và đưa vào ngân hàng câu hỏi.
Đề được lấy từ các tổ hợp ngẫu nhiên, do đó, không thầy cô nào có thể tiếp cận bao trùm tất cả được.
Phóng viên: Nhà trường đã lên kế hoạch tổ chức kỳ thi sao cho thuận lợi, an toàn đối với thí sinh?
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh: Trường dự kiến tổ chức 2 điểm thi để thuận lợi trong đi lại cho thí sinh. Một điểm tại Trường ở Hà Nội và nếu lượng thí sinh đông thì thêm một điểm ở Trường đại học Quy Nhơn. Lý do không tổ chức ở miền nam bởi Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức kỳ thi và kết quả thi được hai trường thống nhất tương đương nhau. Tiến tới, kỳ thi có thể tổ chức ở Đại học Thái Nguyên, Vinh, Huế,… để tạo điều kiện tối đa về việc di chuyển cho thí sinh và phụ huynh.
Phóng viên: Tới năm 2025, khi có lớp học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì cách thức tổ chức ra đề của Trường hẳn cũng sẽ phải thay đổi?
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh: Khi học sinh học hoàn thiện chương trình mới, chúng tôi sẽ có điều chỉnh để thích ứng. Cũng cần phải nghiên cứu cẩn thận, từ lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm, sau đó mới đưa ra phương án. Thí dụ như để kỳ thi đánh giá năng lực năm ngoái của trường được coi như một phương thức xét tuyển thì trường phải chuẩn bị, có sự nghiên cứu từ 3 năm trước đó và thông báo ít nhất trước 6 tháng để thí sinh tiếp cận dần.
Đối với đội ngũ ra đề, Trường đại học Sư phạm Hà Nội có tất cả các ngành đào tạo. Nhà trường có đội ngũ kinh nghiệm, năng lực trong việc ra đề và chấm thi. Rất nhiều thầy cô của trường có bề dày kinh nghiệm làm đề thi, từ những năm còn tổ chức thi “3 chung”. Bên cạnh đó, nhiều thầy cô của trường tham gia biên soạn, làm tổng chủ biên và chủ biên của sách giáo khoa mới và xây dựng chương trình 2018.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!