Những năm qua, cùng với việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Châu đã tích cực phối hợp tổ chức, duy trì các lớp xóa mù chữ, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Lớp học xóa mù chữ tại điểm trường Pa Khen 1, Trường tiểu học và THCS 19/5.
Tại tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu, phần lớn đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống, đời sống người dân còn gặp khó khăn, nhiều người chưa biết đọc, biết viết. Để xóa mù chữ cho bà con, trong năm, Trường tiểu học và THCS 19/5, thị trấn Nông trường Mộc Châu đã phối hợp mở lớp xóa mù chữ và tuyên truyền, vận động người dân ra lớp học. Lớp xóa mù được tổ chức tại điểm trường Pa Khen 1 và Pa Khen 2 với gần 50 học viên đều là đồng bào dân tộc Mông, từ 20 đến hơn 40 tuổi tham gia. Các học viên được truyền đạt các kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết chữ Việt và một số phép tính cơ bản. Cùng với dạy chữ xóa mù, lớp học còn kết hợp tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của của Nhà nước, nếp sống văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu đến bà con.
Từ khi tham gia lớp xóa mù, chị Giàng Thị Khúa, tiểu khu Pa Khen, luôn tranh thủ sắp xếp việc gia đình để cùng các chị em phụ nữ đến lớp học vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Hàng ngày tất bật với công việc đồng áng, nhưng chị cố gắng không bỏ buổi học nào với mong muốn biết đọc, biết viết để cuộc sống đỡ vất vả hơn. Chị Khúa chia sẻ: Trước đây do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi không được đi học, khi biết có lớp dạy xóa mù chữ và phổ biến kiến thức, tôi đã xin đi học. Với sự hướng dẫn tận tình của các cô giáo, tôi đã nhớ các chữ và biết thực hiện các phép tính.
Còn đối với chị Giàng Thị Ly, mặc dù có con nhỏ nhưng chị vẫn cố gắng thu xếp tham gia lớp xóa mù chữ đều đặn. Chị Ly phấn khởi nói: Được đi học xóa mù chữ, tôi đã biết đọc, biết viết và làm được những phép tính đơn giản, giúp ích cho tôi rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày, như đi chợ bán nông sản thuận lợi hơn, khi mua thì đọc được giá sản phẩm.
Điểm chung của tất cả học viên tại lớp xóa mù đều là những lao động chính trong gia đình, ban ngày làm ruộng, làm nương, tối về lại cùng nhau đến lớp để học chữ. Những bàn tay lâu nay chỉ quen với cầm cày, cầm cuốc, giờ nắn nót từng nét chữ, từng con số cho thấy ý chí quyết tâm của những học sinh đặc biệt này. Để thu hút học viên đến lớp và tiếp thu bài học tốt, đội ngũ giáo viên phải luôn linh hoạt các phương pháp dạy học, đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, xây dựng các học liệu, đồ dùng trực quan phù hợp. Trong quá trình dạy học, kết hợp tuyên truyền những kiến thức kỹ năng sống, phòng tránh dịch Covid-19, PCCC, đuối nước… Đồng thời, tổ chức các buổi giao lưu tìm hiểu thêm về phong tục tập quán của các dân tộc.
Cô giáo Lê Thị Thanh Thủy, giáo viên Trường tiểu học và THCS 19/5, thị trấn Nông trường Mộc Châu, chia sẻ: Tham gia lớp dạy học xóa mù chữ, bản thân tôi cũng phải nghiên cứu, xây dựng phương pháp giảng dạy làm sao ngắn gọn nhất, xúc tích nhất để học viên dễ nắm bắt. Trong quá trình lên lớp, tôi thường xuyên gần gũi, động viên học viên đi học chuyên cần, giao cho những học viên biết nhiều hơn giúp đỡ các học viên chưa biết chữ, góp phần giúp lớp học đạt chất lượng cao nhất.
Thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn huyện Mộc Châu, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã phối hợp rà soát, thống kê, lập danh sách những người mù chữ, tái mù chữ ở trên địa bàn và tuyên truyền tới từng gia đình để động viên học viên, tạo điều kiện tốt nhất để họ tham gia lớp học thường xuyên và có hiệu quả. Ông Vương Văn Học, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Châu cho biết: Từ năm 2020 đến nay, Phòng đã chỉ đạo mở 11 lớp học xóa mù chữ cho 260 người dân tộc thiểu số ở các xã, thị trấn trên địa bàn, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển; giảm tỷ lệ mù chữ mức độ 1 còn trên 1%, mức độ 2 trên 2% và mức độ 3 trên 7%.
Trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Châu tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan, ban ngành đoàn thể, các xã thị trấn tăng cường điều tra nhu cầu của người dân để mở các lớp giáo dục xóa mù chữ, giáo dục sau biết chữ. Qua đó, giúp cho đồng bào dân tộc biết đọc, biết viết, biết tính toán, tiến tới biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để không chỉ nâng cao dân trí mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại vùng cao, vùng sâu trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!