Đến thăm Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh, chúng tôi được chứng kiến giờ học của lớp xóa mù chữ cho học viên. Nhiều năm qua, những lớp học đặc biệt này đã giúp hàng trăm lượt học viên biết đọc, biết viết, biết thực hiện các phép tính cơ bản, có thể tiếp cận với các tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, tu dưỡng rèn luyện đạo đức.
Lớp học xóa mù chữ tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh.
Dẫn chúng tôi đi thăm lớp học, ông Đoàn Văn Tứ, Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh, cho biết: Mỗi năm, cơ sở tổ chức 2 lớp xóa mù chữ cho học viên, mỗi lớp học trong 6 tháng, tuần học 6 buổi, tổng 465 tiết học. Học viên được học các môn Toán, tiếng Việt và tự nhiên xã hội lớp 1,2. Trong năm 2022, lớp học xóa mù chữ đợt 1 có 30 học viên, người ít tuổi nhất là 28 tuổi, người nhiều nhất là 52 tuổi. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, người chưa được đi học, có người đã đi học dở chừng, tái mù chữ.
Chị Nguyễn Thị Điểm, cán bộ Phòng Giáo dục dạy nghề, người trực tiếp đứng lớp xóa mù chữ trong nhiều năm nay của Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh, chia sẻ: Hầu hết học viên đều là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu, vùng xa, nghiện ma túy lâu năm, nên ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và trí nhớ, khiến công tác giảng dạy gặp nhiều khó khăn. Ngoài dạy trên lớp, chúng tôi còn động viên học viên tranh thủ thời gian rảnh rỗi để tự học; nếu khó khăn hỏi bạn cùng phòng để được giúp đỡ. Trường hợp học viên học kém, cán bộ quản lý trực tiếp kiểm tra bài tập, hướng dẫn những kiến thức chưa hiểu, chưa rõ. Kết thúc khóa học, Cơ sở tổ chức cho học viên làm bài kiểm tra đánh giá chất lượng và cấp chứng nhận cho học viên đạt yêu cầu.
“Cày đồng đang buổi ban trưa/Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần...”. Để đọc được câu ca quen thuộc này, học viên Sồng A Cang, xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ phải mất hơn 3 tháng học các chữ cái; ghép vần, ghép chữ, đánh vần rồi đọc trơn... 28 tuổi, anh Cang mới được cầm đến quyển sách tiếng Việt để học đọc, học viết. Anh Cang tâm sự: Hồi nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại đông anh, chị em, nên tôi không được đi học. Lớn lên, bị bạn bè rủ rê, tôi mắc nghiện ma túy. Vào Cơ sở điều trị, được cán bộ tận tình giúp đỡ, tôi mới có cơ hội học chữ. Tôi sẽ cố gắng học để có thể đọc sách, báo để biết những tác hại ma túy đối với sức khỏe, với cộng đồng, cũng như biết cách tự phòng tránh ma túy và các tệ nạn xã hội khác.
Ông Phàng A Trống, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, là “học sinh” lớn tuổi nhất trong lớp xóa mù chữ. Ở cái tuổi đã lên chức ông, tay cầm bút ngượng nghịu, nhưng ông vẫn muốn học chữ. Ông Trống cho biết: Vì không biết chữ nên từ trước đến giờ để ký xác nhận các giấy tờ, như sổ đỏ, hay những giao dịch quan trọng, tôi toàn phải nhờ người thân trong gia đình. Sau gần 4 tháng học chữ tại Cơ sở, tôi đã có thể tự viết tên mình, dù còn nguệch ngoạc, xiêu vẹo, nhưng tôi mừng lắm.
Sau những tháng ngày kiên nhẫn, miệt mài, những học viên không biết đọc, biết viết, đến nay, 100% học viên đều đã đọc thông, viết thạo, biết thực hiện 4 phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản và tự tin đến thư viện của Cơ sở tìm đọc những cuốn truyện, cuốn sách hay về tác hại của ma túy, về giá trị sống...
Rời lớp học đặc biệt, chúng tôi cảm nhận được niềm vui trong ánh mắt của các thầy cô và mỗi học viên. Nhờ học chữ, những con người một thời lầm lỗi dần hiểu được những giá trị sống cho riêng mình. Việc biết chữ như “liều thuốc” giúp họ vượt qua những chuỗi ngày tăm tối để sống tốt hơn sau khi hòa nhập cộng đồng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!