Tại xã vùng cao Làng Chếu (Bắc Yên), có một lớp học đặc biệt được mở vào buổi tối. Gọi là lớp học đặc biệt, bởi học viên 100% là phụ nữ dân tộc Mông, với nhiều lứa tuổi khác nhau, từ thiếu nữ tuổi đôi mươi đến những bà, những cô mái tóc đã điểm bạc, đều ngồi chung một lớp. Dù nắng hay mưa, các thầy giáo, cô giáo Trường Tiểu học Làng Chếu cùng với hơn bốn chục học viên vẫn miệt mài với con chữ.
Lớp học đặc biệt này được mở từ đầu năm, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên chỉ sau một tuần, lớp học phải tạm nghỉ theo quy định của tỉnh. Đến đầu tháng 9, lớp được mở lại để đón chị em tiếp tục đi học. 43 học viên đều là những người bà, người mẹ, hằng ngày bộn bề với công việc đồng áng, việc gia đình, tối đến mới tranh thủ thời gian đi học. Phần lớn các học viên trước đây là con em của các hộ nghèo hoặc một phần do quan niệm lạc hậu, phụ nữ dân tộc Mông không cần học chữ, nên không được đi học, hoặc phải bỏ ngang việc học để làm nương, làm việc nhà phụ giúp gia đình.
Hằng tối, học viên lớp xóa mù chữ Làng Chếu cùng nhau đến lớp.
Theo chân các bà, các chị đến lớp, càng gần tới trường, tiếng các học viên gọi nhau, tiếng cười nói râm ran khiến con đường tối, vắng vẻ trở nên nhộn nhịp, đông vui hơn. Vào giờ học, nhận thấy mới theo học được 1 tháng, nhưng các học viên đã đọc chữ khá tốt. Một số chị đã đọc được bài văn dài trong sách giáo khoa; chép được bài thơ. Trò chuyện với chúng tôi về những ngày không được đến lớp học chữ trong thời gian dịch bệnh COVID-19, chị Giàng Thị Chư, bản Háng Cao, chia sẻ: Mặc dù không đến lớp học, nhưng với kiến thức thầy cô đã dạy, tôi đã tranh thủ thời gian buổi tối học cùng các con. Rất vui, vì giờ đây tôi đã tự viết tên của mình, tự đọc. Sau khi lớp học được mở lại, tôi và nhiều chị em rất phấn khởi và háo hức đi học.
Dù ban ngày vất vả mưu sinh, nhưng đến tối, đúng 19h30, tất cả học viên lại có mặt đông đủ tại Trường Tiểu học Làng Chếu để học chữ. Đi học, biết chữ sẽ giúp các mẹ, các chị nâng cao nhận thức, hiểu biết thêm kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi; biết chữ còn là điều kiện để được giới thiệu đi làm tại các công ty, doanh nghiệp ở miền xuôi…
Học viên lớp xóa mù chữ xã Làng Chếu tập đọc.
Bên cạnh việc đi học chuyên cần của các học viên, là sự nỗ lực của các thầy, cô giáo được phân công nhiệm vụ lên lớp xóa mù chữ. Dù không đòi hỏi kiến thức cao, nhưng việc dạy học ở lớp xóa mù chữ không đơn giản, do khả năng tiếp thu của các học viên khó khăn và không đồng đều. Cùng với đó, thời điểm tháng 9-10 hàng năm là thời gian thu hoạch sơn tra, nên thời gian ôn bài của học viên giảm khá nhiều. Hiểu rõ những khó khăn, thầy cô giáo đứng lớp đã nghiên cứu, lựa chọn phương pháp truyền đạt kiến thức dễ hiểu, dễ nhớ nhất đến học viên.
Cô giáo Đinh Thị Diệp hướng dẫn học viên tập viết.
Cô giáo Đinh Thị Diệp, phụ trách lớp xóa mù chữ Trường Tiểu học Làng Chếu, cho hay: Ngày mới đi học, hầu hết các học viên rất rụt rè, ngại phát biểu. Những bàn tay thô, ráp của những người phụ nữ vùng cao hằng ngày quen cầm cuốc, cầm dao đi làm nương, làm rẫy, lại rất gượng gạo khi cầm bút. Nhưng giờ đây, nhiều học viên đã tự tin, mạnh dạn, xung phong lên bảng, đọc tốt, viết tốt và biết làm những phép tính cộng trừ đơn giản. Học viên Mùa Thị Chu, bản Trang Dua Hang, tâm sự: Chữ đầu tiên mà mình tập viết đó chính là tên của mình, cảm giác khi tự tay viết được tên mình thật vui.
Giáo viên phụ trách giảng dạy hướng dẫn học viên tập viết.
Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ huyện ủy, Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Bắc Yên hằng năm tổ chức lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ vùng cao, nhằm nâng cao trình độ dân trí cho người dân các xã vùng đặc biệt khó khăn. Năm 2020, ngoài xã Làng Chếu, huyện đã tổ chức thêm 3 lớp học xóa mù chữ khác ở các xã: Phiêng Ban, Hua Nhàn và Chiềng Sại cho trên 300 học viên tham gia. Chương trình xóa mù chữ không chỉ giúp bà con biết đọc, biết viết, nâng cao dân trí, mà còn tạo cơ hội để bà con được tiếp cận, áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!