Lớp học "đặc biệt" của thầy giáo mang quân hàm xanh

Hơn nửa năm nay, nơi đại ngàn biên giới Việt Nam - Lào, hầu như ngày nào cũng vang lên tiếng đánh vần học chữ của học viên lớp học "đặc biệt" ở bản Pá Khoang, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, do thầy giáo mang quân hàm xanh đứng lớp.

                                 

Các học viên bản Pá Khoang đến lớp học "đặc biệt".

           

Từ trung tâm huyện Sốp Cộp, theo con đường dốc dài hơn 80 km quanh co, hiểm trở, vượt qua đỉnh Pu Sâng cao vời vợi, rồi xuyên qua những cánh rừng heo hút, chúng tôi đến nhà văn hóa bản Pá Khoang và được chứng kiến lớp học "đặc biệt" của thày giáo - Thiếu tá Hờ A Thành, quân nhân chuyên nghiệp Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Lèo đảm nhiệm đứng lớp.

  Gọi là lớp học "đặc biệt", bởi các học viên học lớp xóa mũ chữ đều đã lớn tuổi, người ít tuổi nhất cũng đã 17-18, người nhiều nhất đã hơn 50 tuổi. Từ trước tới nay, các học viên chưa một lần được cầm bút, cầm sách, chỉ biết cầm dao, cầm cuốc đi rừng, phát rẫy, làm nương, cuộc sống hằng ngày gắn liền với nương ngô, nương lúa. Lớp học thường được tổ chức vào buổi tối vì ban ngày bà con còn phải đi làm nương, làm rẫy. 

           

Lớp học đặc biệt của thầy giáo mang quân hàm xanh tại bản Pá Khoang.

           

Như hiểu được thắc mắc của chúng tôi về buổi học ban ngày này, Thiếu tá Hờ A Thành cởi mở: Hôm nay, phóng viên đến đúng vào buổi học "đặc biệt" đấy. Vì muốn chị em hiểu thêm ý nghĩa Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10, nên tôi đề xuất với Ban Chỉ huy đơn vị tổ chức gặp mặt giao lưu cho các học viên nữ, nhân tiện tổ chức cho học viên học luôn. Lớp học này khai giảng từ cuối tháng 4/2022, có 34 học viên, 100% là đồng bào dân tộc Mông, Mới đầu mở lớp, một số bà con chưa nhận thức được việc biết chữ là quan trọng; một số mặc cảm tuổi cao, xấu hổ nên không chịu đi học. Tôi đã đến từng nhà, lên nương, làm rẫy cùng bà con, để giải thích, tuyên truyền, vận động. Nay thì bà con đã nhận thức được việc đi học biết chữ là quan trọng, các học viên giờ tự giác đi học đầy đủ, đúng giờ. 

           

Giờ học của thầy và trò lớp học "đặc biệt" tại bản Pá Khoang.           

Lớp học "đặc biệt" của thầy giáo Thành truyền đạt kiến thức từ lớp 1 đến lớp 5, trong đó, trọng tâm giúp học viên biết đọc, biết viết và làm những phép tính đơn giản. Do các học viên đa dạng độ tuổi, nên thầy giáo phải chọn những phương pháp dạy phù hợp với từng đối tượng. Chia lớp làm 2 nhóm, nhóm chưa biết ngồi bên trái, nhóm đã được học và biết chút ít bên phải. Bảng cũng chia làm đôi, một bên học Toán, một bên tiếng Việt. Đến nay, các học viên đã có thể đọc và làm những phép tính đơn giản.

           

Thầy giáo quân hàm xanh Hờ A Thành tận tình hướng dẫn học viên viết chữ.           

Không chỉ dạy chữ, anh Thành còn lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ, kết hợp với tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; giúp bà con loại bỏ các phong tục lạc hậu, đưa nếp sống văn minh, kiến thức, kỹ năng chăm sóc con cái, vệ sinh môi trường, sinh hoạt; phát triển kinh tế... vào đời sống; giúp bà con nâng cao ý thức, cùng lực lượng vũ trang bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới.

           

Dù đã 50 tuổi, ông Sồng A Tủa vẫn chăm chỉ đến lớp. Đôi tay chai sần vì làm nương, làm rẫy, nay nắn nót từng nét chữ. Ông Sồng kể: Ngày xưa, do nhà ở xa trung tâm xã, đường đi lại quá khó khăn nên tôi không được đi học, nay được bộ đội mở lớp xóa mù chữ tại bản, tôi quyết tâm học bằng được con chữ. Thầy Thành dạy rất dễ hiểu, giờ tôi đã viết được tên mình và người trong gia đình!

           

Chị Sồng Thị Da sinh ra và lớn lên ở xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn, lấy chồng về bản Pá Khoang, từ nhỏ đến lớn chị cũng không được đi học, chưa được cầm bút, cầm vở. Tham gia lớp xoá mù này, chị tích cực đến lớp, không bỏ buổi học nào. Đến nay, chị đã biết đọc và tính toán thành thạo. Chị Da chia sẻ: Không biết chữ, con số, mình xấu hổ và ngại đi chợ lắm. Giờ thì mình đã biết đánh vần, đọc thuộc các chữ cái rồi, biết viết tên chồng, con mình nữa. Hôm nay, tôi còn được hiểu thêm về Ngày truyền thống của phụ nữ Việt Nam, được giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao cùng với các chú bộ đội, vui lắm!

           

Thầy giáo Hờ A Thành cùng các học viên lớp học đặc biệt bản Pá Khoang.

           

Mường Lèo là xã biên giới đặc biệt khó khăn, toàn xã có 13 bản, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú. Ngoài những người trong độ tuổi đến trường, đa số bà con chưa biết tiếng phổ thông, tình trạng mù chữ, tái mù chữ vẫn còn phổ biến. Thiếu tá Mai Thế Cảnh, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Mường Lèo, cho biết: Từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã tổ chức 5 lớp xóa mù chữ cho hơn 150 lượt người dân. Lớp học không chỉ giúp cho người dân nơi biên cương có kiến thức, biết đọc, biết viết, biết tính toán mà có thêm các kỹ năng sống; từ đó, mạnh dạn hơn trong ứng xử, giao tiếp, không bị đối tượng xấu lợi dụng lừa gạt.              

Ông Lò Văn Chủ, Chủ tịch UBND xã Mường Lèo, cho biết: Nhờ có sự góp sức của Đồn Biên phòng Mường Lèo mà hằng năm có rất nhiều lớp xóa mù được mở ra, giảm tỷ lệ mù chữ trên địa bàn xã, giúp nâng cao dân trí, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

           

Học viên thi nhảy môn bao bố.

           

Học viên thi kéo co.

           

Chứng kiến các học viên lớp học đặc biệt cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lèo giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao thật vui vẻ, đoàn kết và hình ảnh thầy giáo quân hàm xanh Hờ A Thành miệt mài dạy các học viên nắn nót, tỉ mẩn tập viết; đọc to, rõ ràng từng thanh âm tiếng Việt, càng minh chứng về tình cảm sâu nặng, keo sơn của quân dân nơi biên cương Mường Lèo. Cùng với việc cầm súng bảo vệ vững chắc biên giới, những lớp học đặc biệt của chiến sĩ Biên phòng Đồn Biên phòng Mường Lèo là những chiến công thầm lặng, mang lại những đổi thay tích cực cho đời sống tinh thần của nhân dân các bản vùng biên giới.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới