Bộ GD&ĐT vừa công bố phương án dự kiến về kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Có 2 phương án được đưa ra bàn thảo để góp phần hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia.
Ảnh minh họa.
Trên tinh thần giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia đã được thực hiện mấy năm qua, Bộ GD&ĐT dự kiến phương án tổ chức thi năm 2018 về cơ bản vẫn như kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, nghĩa là sẽ có 3 bài thi độc lập đó là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp đó là Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội.
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước nếu dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ đào tạo giáo viên có thể chọn bài thi độc lập hoặc kết hợp cấu phần bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội, phù hợp với tổ hợp xét tuyển vào nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ mà mình mong muốn.
Cũng theo thông tin tuyển sinh mới nhất, Bộ GD&ĐT đề nghị các hiệu trưởng trực tiếp cho ý kiến về việc tổ chức bài thi tổ hợp về chọn một trong hai phương án.
Phương án thứ nhất: Giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần (giống như năm 2017).
Phương án thứ hai: Mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất toàn bài thi (không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017).
Nếu theo phương án 2, các trường có thể chọn 2 hoặc 3 bài thi trong số các bài thi của kỳ thi THPT để xét tuyển (trong đó bắt buộc phải có một bài thi Ngữ văn hoặc Toán); hoặc một bài thi Ngữ văn hoặc Toán và 1 hoặc 2 đầu điểm thi năng khiếu/điểm đánh giá năng lực do trường tổ chức, hoặc điểm đánh giá năng lực do trường tổ chức hoặc điểm khác do trường lựa chọn, quy định trong đề án tuyển sinh.
Theo giải thích của Bộ GD&ĐT, sở dĩ Bộ đưa ra phương án 2 để lấy ý kiến các trường là để việc tổ chức thi và chấm thi đơn giản, dần phát triển các bài thi tổ hợp thành bài thi tích hợp đánh giá năng lực của thí sinh./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!