Lấy ý kiến điều chỉnh bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi

Bộ chuẩn phát triển mầm non 5 tuổi được xây dựng và thực hiện từ năm 2010, đến nay đã hỗ trợ tích cực cho các nhà trường, giáo viên và phụ huynh trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non cũng như việc nuôi dưỡng, chăm sóc, phát triển trẻ.

Hội thảo tham vấn chuyên gia về điều chỉnh bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Ngày 8/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Tổ chức cứu trợ trẻ em tổ chức hội thảo tham vấn chuyên gia về điều chỉnh bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của các cán bộ quản lý, chuyên gia đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các trung tâm nghiên cứu giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng có đào tạo giáo viên mầm non.

Vụ trưởng Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Bá Minh cho biết: Bộ chuẩn phát triển mầm non 5 tuổi được xây dựng và thực hiện từ năm 2010, đến nay đã hỗ trợ tích cực cho các nhà trường, giáo viên và phụ huynh trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non cũng như việc nuôi dưỡng, chăm sóc, phát triển trẻ.

Theo báo cáo kết quả sau 11 năm thực hiện từ thực tế triển khai tại cơ sở, cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đều đánh giá cao vai trò của bộ chuẩn trong việc xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung chăm sóc, giáo dục và đánh giá sự phát triển của trẻ 5 tuổi trong thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, góp phần nâng cao chất lượng, chuẩn bị tâm thế cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1.

Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi về điều kiện kinh tế-xã hội, sự phát triển của trẻ mầm non 5 tuổi ngày nay cũng khác nhiều so với giai đoạn trước.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Tiến sĩ Hồ Lam Hồng cho biết, khả năng nhận thức, hiểu biết, ngôn ngữ… của trẻ em ngày nay rất khác so với 10 năm trước. Một số nội dung trong bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi của Thông tư 23/2010/TT-BGDĐT đã không theo kịp sự phát triển năng lực, phẩm chất của trẻ hiện nay. Vì vậy, việc điều chỉnh chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi được các nước thực hiện thường xuyên để phù hợp với sự phát triển của khoa học, giáo dục, xã hội.

Qua rà soát chuẩn hiện hành của Việt Nam trên cơ sở tham chiếu chuẩn quốc tế và thực tiễn phát triển giáo dục mầm non trong nước, đánh giá sự phát triển kinh tế-xã hội tác động tới con người Việt Nam trong giai đoạn tới, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số điều chỉnh trong tên gọi, mục đích và cấu trúc, nội dung, cách diễn đạt của bộ chuẩn phát triển trẻ mầm non 5 tuổi.

Tại hội thảo, ngoài những nội dung về tên gọi, mục đích, cấu trúc… được đưa ra thảo luận, các đại biểu còn tập trung thảo luận các lĩnh vực như: sự phát triển thể chất; phát triển tình cảm và quan hệ xã hội; phát triển ngôn ngữ và giao tiếp; phát triển nhận thức; tiếp cận đến việc học của trẻ. 

Từ ý kiến tại hội thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo điều chỉnh bộ chuẩn để đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục 2019; phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước và bảo đảm tính hệ thống, liên thông với yêu cầu của chương trình giáo dục tiểu học mới.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới