Ký ức về mái trường thân yêu

Tuổi thơ của mỗi chúng ta ai cũng đều có một thời cắp sách đến trường với nhiều kỷ niệm về bạn bè, thầy cô và mái trường thân yêu, để rồi khi đi xa, vẫn nhớ mãi về mái trường xưa, như 4 câu thơ của ông Nguyễn Văn Bình, cựu học sinh khóa 1973-1976, Trường THPT Tô Hiệu đã viết: Thầy cô ơi, đi đến mọi nẻo đường\Dù ở đâu thì chúng em vẫn nhớ\Bốn nhăm năm hay bao nhiêu năm nữa\Vẫn mái trường này, thầy cũ, bạn xưa.

 

Trường THPT Tô Hiệu, thành phố Sơn La.

 

Chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Lưu Minh Hải, bản Lầu, phường Chiềng Lề (Thành phố), là cựu học sinh khóa 1973-1976 của Trường THPT Tô Hiệu khi ông và các bạn về thăm trường cũ để nhân dịp chuẩn bị tổ chức Kỷ niệm 60 năm thành lập (1961-2021). Tiếp chuyện chúng tôi, ông Hải vui vẻ đọc câu thơ: Thoắt đã xa nhau mấy chục năm rồi\Theo kỷ niệm nay trở về trường cũ\Một phút bâng khuâng nhớ về quá khứ\Thuở học trò đời đẹp đến ngẩn ngơ.

Theo ký ức của ông Hải, đầu năm 1973, Trường THPT Tô Hiệu ở gần ngã ba Cầu Trắng, có dãy nhà xây 2 tầng làm phòng họp, phòng thí nghiệm... Các lớp học khi đó còn tạm bợ nên giáo viên, học sinh phải vào rừng chặt tre, nứa làm vách và cắt gianh lợp mái các lớp học. Cuộc sống vật chất thiếu thốn, nhưng thầy, trò vẫn quyết tâm dạy và học, nhanh chóng ổn định công tác tổ chức, mở rộng quy mô đào tạo.

Khi đó, với khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu”, khắc phục mọi khó khăn “Thi đua dạy tốt, học tốt”, thực hiện phương châm “Học đi đôi với hành”, nhà trường luôn quan tâm sâu sát đến đời sống, tinh thần của học sinh. Tổ chức nhiều hoạt động phong trào như quét dọn Nghĩa trang nhà tù Sơn La, làm lồng nuôi cá ở suối Nặm La rồi phân công học sinh các lớp cắt cỏ cho cá ăn... Sự cố gắng, nỗ lực của thầy và trò đã được cấp trên ghi nhận và biểu dương.

Ông Hải còn đọc cho chúng tôi nghe những vần thơ: Các bạn ơi ngày ấy đã lâu rồi\Lũ chúng tôi thuở còn đi học\Lớp tạm đơn sơ hàng rào ngang dọc\Nghe thầy giảng bài, đói lả toát mồ hôi. Cái nghèo khó, cái đói khổ của thời chiến tranh, của những lần phải di chuyển trường đến nơi ở mới hẳn những thế hệ sau này làm sao mà tưởng tượng ra, mà biết được. Cái rét mùa đông cắt da cắt thịt, ngồi trong lớp học tranh tre trống trải gió thổi ào ào, thầy đói vẫn giảng, trò đói vẫn ngồi học miệt mài.

Mặc dù vậy, nhưng các thế hệ học sinh Trường THPT Tô Hiệu vẫn luôn thi đua học tập, lao động. Để rồi sau mỗi khóa học, thầy cô và học trò bịn rịn chia tay. Người đi học nghề, người bước vào giảng đường đại học và cao đẳng, người tiếp bước cha anh lên đường nhập ngũ và người ở lại xây dựng quê hương... Nhưng tất cả đều mang trong mình những phẩm chất đẹp và rất đặc trưng của học sinh của ngôi trường mang tên người chiến sĩ cách mạng Tô Hiệu.

Thế hệ học sinh Trường THPT Tô Hiệu khóa 1973-1976 đến nay đã lên ông, lên bà và vui vầy cùng con cháu. Nhưng ký ức và tình cảm với thầy, trò và nhà trường vẫn mãi mãi sâu nặng. Mỗi lần về thăm trường vào những dịp kỷ niệm, mọi người được gặp các thầy, cô và các bạn cũ khiến ai cũng bồi hồi xúc động và tự hào là học sinh của Trường THPT Tô Hiệu thân yêu. Trường THPT Tô Hiệu đã được chuyển tới địa điểm mới ở số 65, đường Thanh niên, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La và được đầu tư xây dựng bề thế, đồng bộ với nhiều phòng học hiện đại và đội ngũ giáo viên trẻ được đào tạo bài bản, nhiệt huyết với công việc; các học trò sôi nổi, ham học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới và gặt hái nhiều thành tích đáng khích lệ.

Hướng tới 60 năm Ngày thành lập Trường THPT Tô Hiệu, toàn thể các thế hệ học sinh sẽ có dịp trở về thăm trường, thăm thầy cô và gặp bạn bè để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm cũ. Trước khi chia tay Trường THPT Tô Hiệu, ông Lưu Minh Hải còn đọc cho chúng tôi nghe bài thơ mới sáng tác để gửi lời nhắn đến các bạn: Nếu chỉ vài năm các bạn chưa trở lại Sơn La\Chắc bạn sẽ ngỡ ngàng trước những đổi thay kỳ lạ\Nhưng tình người Sơn La chẳng hề thay đổi\Vẫn trọn tình, vẹn nghĩa, thủy chung\Mong ngày gặp mặt các bạn về đông đủ\Để chứng kiến những điều đó ở Sơn La\Những tình cảm dạt dào yêu thương\Mà con người Sơn La đang mong đón các bạn trở về!

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Họp Ban Chỉ đạo và Hội đồng chấm Giải thưởng báo chí về xây dựng Đảng

    Họp Ban Chỉ đạo và Hội đồng chấm Giải thưởng báo chí về xây dựng Đảng

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 5/11, đồng chí Đinh Thị Bích Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng chấm Giải báo chí về xây dựng Đảng, đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo và Hội đồng, thống nhất xếp loại các tác phẩm đoạt giải năm 2024.
  • 'Dân tộc Lào

    Dân tộc Lào

    Dân tộc Lào sinh sống ở tỉnh Sơn La có khoảng 3.380 người, sinh sống chủ yếu ở một số địa phương dọc theo đường biên giới Việt Nam - Lào, trong đó nhiều nhất tại huyện Sốp Cộp và huyện Sông Mã. Nhà ở của người Lào là kiểu nhà sàn có hai mái dài và hai mái đầu hồi. 
  • 'Ban Dân vận Trung ương khảo sát việc thực hiện công tác dân tộc tại huyện Yên Châu

    Ban Dân vận Trung ương khảo sát việc thực hiện công tác dân tộc tại huyện Yên Châu

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 5/11, Đoàn khảo sát của Ban Dân vận Trung ương do đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương làm Trưởng đoàn, đã khảo sát 5 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới tại huyện Yên Châu.
  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 6/11/2024

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 6/11/2024

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của cao lạnh lục địa tăng cường, áp và độ ẩm tăng. Thời tiết: Nhiều mây, đêm có mưa, mưa rào và dông vài nơi, trời rét, vùng núi cao có nơi rét đậm, ngày có lúc giảm mây hửng nắng. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
  • 'Liên hoan các mô hình tổ truyền thông cộng đồng năm 2024

    Liên hoan các mô hình tổ truyền thông cộng đồng năm 2024

    Văn hóa - Xã hội -
    Ngày 5/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức Liên hoan "Các mô hình tổ truyền thông cộng đồng gắn với tìm hiểu Luật Bình đẳng giới" năm 2024. Đây là một trong những nội dung tuyên truyền về Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
  • 'Dân tộc La Ha

    Dân tộc La Ha

    Dân tộc La Ha là một trong các dân tộc ít người ở Sơn La, hiện có dân số khoảng 10.000 người, sinh sống tập trung tại một số bản thuộc các huyện: Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mộc Châu. Dân tộc La Ha có ngôn ngữ riêng, họ sống cộng cư với người Thái Đen nên trong sinh hoạt hằng ngày, ngoài tiếng mẹ đẻ, đồng bào còn học và sử dụng tiếng Thái Đen để giao tiếp.