Qua 5 năm thực hiện Đề án 281/QĐ-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”; các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc cùng sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và trách nhiệm của những người “gieo chữ”, phong trào khuyến học, khuyến tài của tỉnh phát triển rộng khắp, đóng góp quan trọng vào công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực vì một Sơn La đổi mới và phát triển.
Đại diện Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc cho các tập thể.
Ảnh: PV
Quán triệt các quan điểm, nội dung chỉ đạo của Trung ương, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp tham mưu với Tỉnh ủy Sơn La ban hành Kế hoạch 162-KH/TU về thực hiện Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị ban hành văn bản chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai với những nội dung, cách làm phù hợp với thực tế của địa phương. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Khuyến học tỉnh đã đi đầu triển khai xây dựng mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” làm cơ sở để Trung ương Hội tổng kết chỉ đạo điểm và áp dụng thực hiện đại trà trên toàn quốc.
Điểm nhấn trong thực hiện Đề án của Chính phủ tại Sơn La là đã hình thành và phát triển rộng khắp tổ chức hội khuyến học từ tỉnh đến cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 12 hội khuyến học huyện, thành phố; 204 hội khuyến học xã, phường, thị trấn; 28 hội khuyến học, ban khuyến học trực thuộc Tỉnh hội (Lực lượng vũ trang; trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; các cơ quan tỉnh); 3.172 chi hội khuyến học; 516 ban khuyến học; 848 chi hội khuyến học dòng họ; với tổng số 313.139 hội viên (bằng 25,3% dân số của tỉnh). Đặc biệt, tổ chức hội khuyến học trong các nhà trường, trong lực lượng vũ trang hoạt động rất hiệu quả. Qua bình xét, toàn tỉnh có 205.282 gia đình đạt “Gia đình học tập”; 595 dòng họ đạt “Dòng họ học tập”; 2.509 tổ, bản; 623 cơ quan, doanh nghiệp được công nhận “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”; 81 xã đạt “Cộng đồng học tập” cấp xã. Trong đó, Thành phố và huyện Quỳnh Nhai là 2 đơn vị có 100% xã, phường, thị trấn được công nhận “Cộng đồng học tập” cấp xã.
Nhà giáo ưu tú Trần Luyến, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh khẳng định: “Kết quả công tác khuyến học, khuyến tài ở Sơn La đạt được trong những năm qua là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, nhà hảo tâm và nỗ lực không ngừng của hội khuyến học từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, có sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc làm cho phong trào khuyến học có chiều sâu từ trong mỗi gia đình, nhà trường và xã hội
Có thể nói, việc triển khai thực hiện Đề án 281 ở Sơn La bài bản và chặt chẽ, phân công rõ người, rõ việc, huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc. Các cấp hội và cán bộ khuyến học tranh thủ mọi diễn đàn để tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đến cán bộ, nhân dân. Các cơ quan báo chí phối hợp mở chuyên trang, chuyên mục “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”; duy trì xuất bản Thông tin Khuyến học; xây dựng 205 tấm pa nô về chủ đề khuyến học, khuyến tài. Biên soạn cuốn “Tài liệu thông tin tuyên truyền phổ biến về xã hội học tập”; in đĩa DVD tiếng Mông, tiếng Thái làm tài liệu tuyên truyền cho cơ sở. Tổ chức hai Hội thảo “Tư tưởng Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” và “50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” được các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ của một số cơ quan Trung ương, Trường đại học, Viện nghiên cứu tham gia và đánh giá là có chất lượng tốt.... Nhờ đó, phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển khắp các địa phương trong tỉnh; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tự học, học thường xuyên, học suốt đời.
Hội Khuyến học và Hội Phụ nữ xã Mường Bú (Mường La) phối hợp tổ chức lớp học xóa mù chữ cho hội viên.
Ảnh: Phan Trang
Trong xây dựng mô hình học tập ở mỗi địa phương trong tỉnh đều có cách làm hay, hiệu quả thiết thực, được nhân dân đồng tình ủng hộ, như mô hình: “Cây bưởi khuyến học”, “Nương ngô khuyến học”, “Ao cá khuyến học”, “Vườn rau khuyến học”, “Nuôi lợn khuyến học”... đã góp được hàng trăm triệu đồng mỗi năm, hỗ trợ hàng ngàn học sinh nghèo, học sinh mồ côi, học sinh khuyết tật có thêm điều kiện để học tập. Điển hình là huyện Mộc Châu với mô hình “Ống tre tiết kiệm khuyến học”, đã có 800 ống tre tiết kiệm với số tiền trên 800 triệu đồng, hỗ trợ trên 1.600 lượt học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh còn vận động, kết nối tiếp nhận các học bổng “Phú Mỹ Hưng”, “Vòng tay đồng đội”, “Lá Xanh”, “Vì em hiếu học”, “Ước mơ từ làng” và học bổng “Tô Hiệu”... thu hút hàng ngàn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và các nhà hảo tâm đóng góp ủng hộ quỹ khuyến học hơn chục tỷ đồng. 5 năm qua, phong trào khuyến học toàn tỉnh đã khen thưởng 35.492 lượt tập thể, gia đình, dòng họ, cộng đồng; khen thưởng và hỗ trợ học bổng cho 106.873 lượt cá nhân là cán bộ, hội viên khuyến học và học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó học tốt.
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với sự nghiệp giáo dục, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng các phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài là cuộc vận động có nhiều ý nghĩa sâu sắc, bền vững, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong cộng đồng dân cư và toàn xã hội, chung sức vì một Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!